Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

CÁI BẨY CHUỘT

                      CÁI BẪY CHUỘT
Thạch Nguyên

Một chú chuột nhìn qua khe tường, để ý thấy vợ chồng chủ nhà đang loay hoay mở cái hộp to. Chú nhủ thầm không biết trong đó đựng gì: bơ sữa, thịt bánh? Chú bàng hoàng suýt té ngửa khi thấy chủ nhà lấy ra một cái bẫy chuột thật to. Chú run rẩy, lần mò chạy ra phía sau trang trại và nói to cho các gia súc nghe:

- Các bạn ơi, chủ nhà vừa mua một cái bẫy chuột. Cái bẫy to lắm!

Cặp vợ chồng gà cục tác vài tiếng rồi đáp:

- Xin lỗi chú, chúng tôi thông cảm vì đó là mối quan tâm sinh tử của chú. Nhưng việc gì đến chúng tôi. Xin chú đừng quấy rầy nữa, và hãy để chúng tôi yên.

Quay sang chú heo, chú chuột cũng nói:

- Họ đặt bẫy chuột trong nhà.

Nhưng chú heo trả lời:

- Tôi biết làm sao bây giờ. Tôi sẽ nhớ đến chú trong kinh nguyện hằng ngày của tôi.

Chú chuột bèn chạy đến cô bò đang chậm rãi nhai cỏ. Cô bò phán:

- Cái anh này lạ chưa, việc ấy có liên can gì đến tôi mà tôi phải bận tâm.

Chú chuột buồn bã bỏ đi. Bây giờ chú biết phải tìm cách đối phó với cái bẫy một mình. Đèn nhà ai nấy sáng! Việc của chú, chú phải tự lo. Ngay đêm đó, trong nhà có tiếng bẫy sập. Bà chủ nhà vội vã chạy ra để xem xét sự tình. Trong đêm tối bà không biết là chiếc bẫy đã sập vào đuôi một con rắn độc. Bà bị rắn cắn phải đưa đi cứu cấp. Trong thời gian bà lên cơn sốt vì nọc độc, người chủ nhà giết cặp gà để nấu cháo cho vợ ăn. Bịnh tình bà trở nên trầm trọng, hàng xóm đến chăm sóc, phụ giúp gia đình. Chủ nhà giết chú lợn để đãi khách.

Bệnh tình bà chủ nhà trở nên nguy kịch hơn... Bà mất sau cơn sốt nặng. Người chủ nhà đành giết cô bò để thết đãi bà con họ hàng xa gần khi họ tụ hợp về để an táng vợ ông.

***

Bạn và gia đình đang sống bình an. Nhà hàng xóm bị cướp. Không can chi... vì nhà bạn xây cất kiên cố, có rào cao, cổng chắc, có chó dữ canh gác, có hệ thống báo động tối tân. Hãy coi chừng, nhà bạn sắp trở thành nạn nhân kế tiếp, không sớm thì muộn. Số phận của gia đình bạn sẽ giống như cặp vợ chồng gà nếu bạn chỉ biết lo cho bản thân mình, gia đình mình và để mặc chuyện thế sự cho người khác giải quyết!

Xóm làng bị nạn cường hào, ác bá, tham nhũng cửa quyền. Nhưng gia đình bạn an bình vì bạn khéo luồn cúi, móc ngoặc, biết điều với quan chức địa phương. Hãy coi chừng, bạn và gia đình sẽ trở thành nạn nhân kế tiếp nếu vì lý do nào đó bạn không còn biết điều, không thể làm con bò cho quan chức vắt sữa nữa. (vì hết sữa!). Số phận của gia đình bạn trước sau cũng sẽ giống như chú heo, nếu bạn nghĩ mình khôn ngoan biết sống hơn người khác, bỏ ngoài tai chuyện thiên hạ, gió thổi chiều nào ngã theo chiều đó để được ấm thân!

Hàng xóm bị ngăn cấm sống đức tin, sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế, tín hữu bị bắt bỏ đạo. Không hề gì, bạn vẫn còn tự do đi đây đi đó, thăm viếng bạn hữu, phụng tự tổ chức linh đình. Để tỏ lòng thương cảm cho pháp nạn của người khác, bạn nhớ đến họ trong kinh nguyện hằng ngày. Bạn nghĩ vậy là đủ. Hãy coi chừng vì bạn sẽ là nạn nhân kế tiếp và sau cùng (!). Đặc ân bạn đang hưởng có thể bị rút lại bất cứ lúc nào. Số phận bạn rồi cũng sẽ giống như con bò... bị giết trong đám tang của người khác, dù bạn là người tu hành chỉ biết lo chuyện đạo và nhắm mắt không dám nghĩ đến chuyện đời!

Bạn thấy không, sự khác biệt chỉ là thời gian ngắn dài chờ đợi tới phiên mình. Dù “khôn ngoan biết sống” hơn người, cuối cùng số phận của bạn cũng không khác ai: Chủ nhà lần lượt làm thịt cặp gà, rồi đến phiên chú heo và cuối cùng cô bò. Cô bò may mắn nhất, sống lâu, nhưng cũng chết!

Tất cả chúng ta đang đồng hành trên chuyến hành trình mang tên Cuộc Đời. Hãy để mắt tới mọi người, nhất là những người kém may mắn và bị thiệt thòi nhất. Hãy sẵn sàng chia sẻ với họ.

Khi cái bẫy được đặt ở trong nhà thì vấn đề không phải là của riêng ai mà là của tất cả mọi người cùng chung sống dưới mái nhà đó. Cho nên, chỉ có một cách, và là cách duy nhất...

Hợp quần gây sức mạnh. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Khôn ngoan biết sống để thủ lợi cho riêng mình là... tự diệt, chỉ kéo dài thời gian chờ bị thọc tiết thôi!

                                                             ( sưu tầm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến