Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

HAPPY NEW YEAR

CHÀO NĂM MỚI 2012!

NGUYỆN CHÚC QUÝ VỊ , CÙNG CÁC BẠN! MỘT NĂM MỚI BÌNH AN - KHỎE MẠNH- LUÔN GẶP NHIỀU MAY MẮN TRONG THÁNH Ý THIÊN CHÚA. 

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

LỄ GIÁNG SINH

LỄ   GIÁNG SINH CÓ TỪ BAO GIỜ
Nguyễn Tiến Cảnh
      Hàng năm cứ   vào ngày 25 tháng 12 là chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh, ngày Chúa Giêsu ra đời,   nhưng ít ai để ý thắc mắc Chúa có thực sự sinh ra vào ngày này không hay lễ   này có từ bao giờ.
   Kinh Thánh không thấy có chỗ nào nói   đến các môn đệ của Chúa Giêsu mừng Sinh nhật của Chúa. Vây thì ngày lễ nghỉ   này ở đâu mà ra, và Kinh Thánh có đồng ý hoặc chấp nhận ngày lễ này không?   Những câu hỏi như vậy có ý nghĩa gì khi mà mục đích của chúng ta là vinh danh   mừng Chúa ra đời và đem các gia đình lại gần với nhau, chúc cho nhau được bình   an và đất nước có hòa bình, dân tộc yêu thương.
      Diễn viên hài   hước nổi tiếng của Hoa Kỳ Drew Carey trong một cuộc phỏng vấn do  Talk Show The View trên truyền hình thực hiện đã   làm cho khán thính giả ngỡ ngàng khi ông khuyên mọi người phải nói sự thật về   nhân vật Ông Già Noel/Santa Claus. 
  -“Tôi nghĩ   rằng –ông nói- cha mẹ và người lớn không nên nói cho trẻ nít là có ông già   Noel / Santa Claus thực sự. Đây quả là lời nói dối đầu tiên mà quí vị đã nói   với con cháu quí vị.” Ông khuyên mọi người hãy nói thiệt cho chúng biết là   “ông già Noel chỉ là nhân vật chúng ta    tạo ra để có cớ mừng mùa lễ nghỉ mà thôi”.
 -“Khi chúng   lên 5 tuổi –ông nói thêm- chúng sẽ nhận ra là cha mẹ chúng đã nói láo với   chúng suốt cả đời chúng.”
Trước đó trong   cùng một năm, đài truyền hình The Arts & Entertainment đã đưa ra một   chương trình về Lễ Giáng Sinh gọi là Christmas Unwrapped: The History of   Christmas. Người trình diễn đã nêu câu hỏi:
 -“Trên khắp   thế giới người ta mừng lễ Chúa Kitô ra đời vào ngày 25 tháng 12, nhưng tại sao   Chúa Giáng Sinh lại đi đôi với việc tặng quà, và Chúa có thực sự giáng trần   vào ngày tháng đó hay không? Cây Giáng Sinh / Christmas Tree ở đâu mà   ra?
 Ngược giòng lịch sử để tìm hiểu nguồn   gốc các ngày lễ nghỉ truyền thống của Tây Phương, thì thấy rằng Lễ Giáng Sinh   có nguồn gốc từ những ngày lễ hội của dân ngoại là lễ mừng thần Saturn của   người La Mã được phổ biến từ năm 217 BC. Khởi đầu ho ăn mừng vào dịp Đông Chí,   từ ngày 17 đến 23 tháng 12.
  Như vậy cả ông   già Noel/Santa Claus lẫn lễ Giáng Sinh thực ra chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt.   Santa Claus chỉ là nhân vật giả tưởng và Lễ Giáng Sinh cùng với những trang   trí của nó là do từ những ngày lễ hội của dân ngoại La Mã mà ra.   
 Phải chăng đó   chỉ là những tập tục truyền thống cổ xưa chứ chẳng phải là những gì thực tiễn   chúng ta có thể nhìn thấy được? Nếu cứ tiếp tục tham dự những lễ hội đó thì có   hữu ích gì không? 
LỄ  THẦN  MẶT  TRỜI  
 Nói là lễ Giáng Sinh có từ trước thời   Chúa Giêsu sinh ra thì có vẻ kỳ lạ và vô lý. Nhưng Lễ Giáng Sinh /Christmas   quả thực lại có liên hệ đến thời đại trước Chúa Giêsu Kito rất nhiều.  Những chi tiết   mừng lễ Giáng Sinh đều có vết tích của thời cổ Ai Cập, Babylon và La Mã. Sự kiện   này thực ra cũng chẳng làm tổn thương gì danh chúa Giêsu, nhưng nó đặt thành   nghi vấn về sự hiểu biết và khôn ngoan của những người mà, từ cả ngàn năm rồi,   vẫn còn cho rằng cái ngày lễ hội của dân ngoại là vĩnh cửu và đang được lan   truyền trên khắp thế giới là ngày lễ Chúa Giáng Sinh.
  Giáo Hội sơ khai chắc cũng rất ngạc   nhiên khi thấy những tập tục xưa cổ của họ bị chúng ta ngày nay đem nhập vào   lễ Giáng Sinh mừng ngày Chúa ra đời. Việc gán ghép danh Chúa Kito với ngày lễ   nghỉ của dân La Mã không phải chỉ có từ nhiều thế kỷ nay đâu. Alexander Hislop   đã viết trong sách của ông The Two Babylons: “Nhiều nhà văn nổi tiếng và uyên bác thuộc nhiều hệ phái khác   nhau cũng công nhận rằng ‘Ngày Chúa   sinh ra vẫn không thể xác định   được’, và trong Giáo Hội Kito giáo, ngày lễ gọi là Lễ Giáng Sinh cũng chưa bao   giờ nghe nói đến cho tới thế kỷ thứ 3, và cũng không phải tới thế kỷ thứ 4   người ta mới giữ ngày lễ này đâu.” (1959, pp.92-93).
 Còn về ngày 25   tháng 12 trở thành ngày Lễ Giáng Sinh thì thực ra các sách viết về lịch sử các   ngày lễ nghỉ cho biết đó là ngày đế quốc La Mã mừng Sinh nhật thần mặt   trời.  Lý do chọn ngày 25/12 là   ngày sinh nhật chúa Giêsu thì sách 4000   Years of Christmas ghi: “Vì   ngày đó là ngày thánh , không phải chỉ đối với dân ngoại La Mã mà cả một tôn   giáo lớn ở Ba Tư / Persia tức Iran bây giờ, mà hồi đó là một trong những tôn   giáo đối thủ  mạnh nhất của Kito   giáo. Đạo này thờ thần Mithra gọi là Mithraism[1], tức thờ mặt trời, ăn mừng ngày mặt trời mọc   trở lại, thêm sức mạnh cho họ (Earl and Alice Count, 1997, p.37).
 Không phải chỉ   có ngày 25/12 là ngày vinh danh sinh nhật mặt trời, mà còn là ngày lễ hội mà   các quốc gia dân ngoại vẫn giữ từ lâu để mừng những ngày sáng sủa được kéo dài   ra sau thời kỳ Đông Chí là những ngày ngắn nhất trong năm. Trước Lễ Giáng Sinh   lúc đó còn có ngày lễ hội thờ ngẫu tượng vào giữa mùa đông có đặc điểm là ăn   uống bừa phứa và mặc sức trụy lạc, đánh dấu thời kỳ Tiền Kito Giáo từ nhiều   thế kỷ trước.
MỘT KẾT HỢP   NHỮNG TẬP TỤC TIỀN KITÔ GIÁO
 Lễ hội xưa cổ   này với thời gian đã có nhiều danh hiệu khác nhau qua nhiều nền văn hóa khác   nhau. Tại Roma, người ta gọi là lễ Saturnalia để vinh danh thần Saturn, một   thần nông nghiệp của người La Mã. Lễ này đã xâm nhập vào giáo hội Roma sơ khai   và được đặt tên là Christ (“Christ mass” hay là Christmas) để thâu nhận những người   tân tòng mà họ không muốn bỏ tập tục này của họ đi, đồng thời để nâng cao con   số giáo dân của Kito giáo.
 Những vị lãnh   đạo Công Giáo ở thế kỷ 3 họ có khuynh hướng muốn tiếp cận với dân ngoại, nhưng   đã bị Tertullian, một nhà thần học công giáo lúc bấy giờ phê phán một cách khá   chua chát. Năm 230 khi nói về sự bất nhất của người Kito giáo, ông đã nói lên   cái tương phản giữa người công giáo và dân ngoại trong việc hành đạo; người   công giáo dùng chính sách co dãn mưu mẹo trong khi dân ngoại họ vẫn triệt để   trung thành với niềm tin của họ. Ông viết:       
-“Đối với   chúng ta là những người xa lạ với ngày hưu lễ Sabbaths, và cả những ngày  trăng rằm lẫn ngày lễ hội mà có lúc đã   được chấp nhận dành cho Chúa (coi    Cựu Ước Sách Levi 23: Nghi thức   các lễ hội trong năm, hiện giờ không còn giữ nữa) như lễ Saturnalia, những   ngày lễ tháng Giêng, lễ Brumalia và lễ Matronalia thì bây giờ lại đem ra thực   hành; quà tặng được trao qua lại cho nhau, những tặng vật ngày đầu năm được   thực hiện rất nhộn nhịp, những cuộc vui chơi thể thao và tiệc tùng được tổ   chức tưng bừng. Nhưng trái lại, những người theo tà giáo lại trung thành nhiều   hơn với tín ngưỡng của họ mà chẳng thèm để ý đến những lễ lạc của người Kito   giáo” (Hislop, p.93).
Thất bại trong   việc cải giáo dân ngoại, những vị lãnh đạo Giáo Hội La Mã bắt đầu điều đình để   đưa những hình ảnh tập tục tà đạo lên y phục của Kito giáo. Nhưng thay vì biến   cải niềm tin của họ về với giáo hội, giáo hội lại bị biến đổi, hội nhập vào   những tập tục không phải là Kito giáo ngay chính trong việc hành đạo của   mình.
Mặc dù lúc đầu   Giáo Hội Công Giáo sơ khai đã kiểm duyệt, muốn bãi bỏ việc mừng lễ này, nhưng   “nó đã xâm nhập quá sâu rộng trong dân chúng khó lòng xóa bỏ đi được. Cuối   cùng Giáo Hội đành phải chấp nhận, vì nghĩ rằng nếu không thể hủy bỏ được thì   phải biến nó thành lễ “Giáng Sinh” tôn vinh Chúa Kito. Một khi được gắn cho   cái nhãn hiệu nền tảng là Kito giáo thì ngày lễ hội trở thành chính thức ở Âu   Châu với rất nhiều dấu vết của dân ngoại mà chẳng ai còn thắc   mắc nữa”. ( Man, Myth & Magic: The Illustrated Encyclopedia of Mythology,   Religion, and the Unknown, Richard Cavendish, editor 1983, Vol.2, p.480,   “Christmas”)
ĐÃ QUYẾT   ĐỊNH THÌ CỨ LÀM 
 Một số người   đã thẳng thắn phản đối việc làm như vậy vì cho rằng có hại về mặt thiêng   liêng. “Những vị đó đã cố gắng ngăn cản   sóng thủy triều, nhưng dù có biết bao cố gắng để ngăn chặn, việc làm đó vẫn cứ   tiếp tục, cho đến khi Giáo Hội hoàn toàn bị tràn ngập bởi  những tập tục dị đoan của dân ngoại.   Đó là Lễ Giáng Sinh nguyên thủy, ngày lễ của dân ngoại, nó đã trở thành hiện   thực không chối cãi được. Ngày tháng trong năm và những nghi lễ mà hiện vẫn   còn cử hành đã nói lên  nguồn gốc   của nó” (Hislop p.93).
 Nhà thần học   Tertulian nói trên đã tách ra khỏi giáo hội Roma vì bất đồng chính kiến. Ông   không phải là người duy nhất bất đồng với ý tưởng đó. “Vào cuối năm 245,   Origen, trong bài giảng thứ 8 về sách Levi, đã khước từ ý tưởng giữ ngày sinh   nhật của Chúa Kitô như là một ông vua Pharaoh”. (The Encyclopaedia Britannica,   11th edition, Vol 6, p.293, “Christmas”).
Lễ Giáng Sinh   chỉ được công nhận là ngày lễ nghĩ của La Mã vào năm 534 (ibid). Như vậy phải   mất 300 năm cái tên mới cùng với những biểu tượng của Lễ Giáng Sinh mới thay   thế những tên cũ và ý nghĩa của ngày lễ hội giữa mùa đông, một ngày lễ hội của   dân ngoại có từ nhiều thế kỷ trước.
NGUỒN   GỐC ÔNG GIÀ NOEL/SANTA CLAUS        
  Làm sao ông   già Noel/Santa Claus lại xuất hiện với đầu tóc bạc phơ và bộ râu dài lê thê   tới rốn? Tại sao hình ảnh thần thoại này lại được gắn liền với Lễ Giáng   Sinh?
 “Santa Claus”   nghĩa là sự suy đồi của Mỹ Châu, từ tiếng Đức mà ra là Sinterklaas, chữ viết ngắn lại của   Sint Nikolaas, một hình ảnh do một   người di dân Đức hồi sơ khai mang qua Mỹ Châu. Danh xưng này, sau được đổi lại   thành St.Nicholas, tên một vị giám mục ở thị trấn Myra ở Nam Tiểu Á, một vị   thánh công giáo tử vì đạo mà người Hy Lạp và Latin tôn kính vào ngày 6 tháng   12.
Thánh Nicholas   là giám mục thành Myra sống vào thời hoàng đế La Mã Diocletian   trị vì. Ông bị hành quyết vì niền tin công giáo, bị tra tấn, hành hạ và bỏ   ngục, cầm tù cho tới triều đại Constantine là thời kỳ tương đối dễ dãi hơn.   (The Encyclopaedia Britannica, 11th edition, Vol.19,p.649,   “Nicholas, St.”). Còn nhiều chuyện nữa mà người ta cho rằng có liên quan tới   Christmas và St.Nicholas, tất cả những việc phải làm như là tặng quà cho nhau   vào ngày trước lễ thánh Nicholas, sau này được chuyển qua là lễ Giáng Sinh   (ibid). Đó phải chăng là lý do của tập tục tặng quà nhau trong dịp Giáng   Sinh?
 Đến đây, chúng   ta có thể đặt nghi vấn, làm sao một giám mục từ miền bờ biển Địa Trung Hải   nắng ấm của Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể liên quan tới một ông già sống ở miền cực   Bắc ngồi trên chiếc xe trượt tuyết kéo bởi nhũng con nai bay lướt ở trên   trời?
 Đành rằng   chúng ta đã biết là Lễ Giáng Sinh nguồn gốc từ trước thời đại Kito Giáo, chúng   ta cũng không ngạc nhiên thấy rằng Santa Claus chẳng là gì cả ngoài những hình   ảnh được sao chép lại từ niềm tin tôn giáo của dân ngoại thời cổ xa   xưa.
Những hình ảnh   tưởng tượng có tính phỉnh gạt liên quan tới ông già Santa Claus với bộ quần áo   màu đỏ, mũ đỏ, có viền lông trắng, xe trượt tuyết và nai bay trên trời cũng   cho thấy nguồn gốc từ miền giá lạnh xa vời ở cực Bắc. Cũng có những nguồn tin   cho rằng Santa Claus có dấu vết liên hệ đến các vị thần Odin (hay Woden) và   Thor ở Bắc Âu / Na Uy cổ xưa (Count, pp.56-64). Thần Odin được hình dung với   bộ râu dài trắng toát, mà tục truyền rằng đã bay trên trời bằng con ngựa  8 chân Sleipnir.
Một vết tích   khác, mặc dù rất xa xưa, là Santa Claus có liên hệ tới thần Mặt Trời Saturn   của La Mã và thần Silenus của Hy Lạp, bạn đồng hành và là giám hộ của thần   rượu Dionysus ( William Wash, The Story   of Santa Claus, pp.70-71).
CÓ PHẢI   CHÚA GIÊSU SINH RA VÀO THÁNG 12 KHÔNG
 Những học giả   kinh thánh uy tín nghiên cứu về ngày sinh của Chúa Giêsu đã đi đến kết luận là   chẳng có một dữ kiện căn bản nào cho thấy chúa sinh ra vào khoảng ngày 25   tháng 12.  Alexander Hislop nêu rõ   là: 
 -“Không có một chữ   nào trong Kinh Thánh nói rõ ràng ngày giờ sinh tháng đẻ của Chúa cả. Những   điều đã ghi chép lại cũng chẳng ám chỉ là Chúa sinh ra vào ngày 25/12.                                
  -“Lúc mà các thiên   thần báo tin Chúa sinh ra cho các trẻ chăn chiên ở Bethlehem là lúc chúng đang   cho chiên bò ăn ở giữa cánh đồng trống lúc đêm tối. Khí hậu ở Palestine từ   tháng 12 đến tháng 2 là thời gian lạnh buốt ghê gớm, và theo tục lệ thì  thời gian đó không phải là thời gian   các mục đồng ở xứ Judea canh chừng súc vât của chúng ở ngoài đồng trống, mà   thực sự chậm lắm là chỉ tới cuối tháng 10 thôi” (p.91, emphasis in   original).
 Ông tiếp tục   cắt nghĩa là mưa thu bắt đầu rơi vào tháng 9 hoặc tháng 10 ở Judea có nghĩa là   những biến cố xẩy ra chung quanh ngày Chúa ra đời được ghi trong Kinh Thánh   không thể xẩy ra sau trung tuần tháng 10. Vậy ngày Chúa sinh ra có thể là vào   khoảng đầu thu (p.92).
 Một sự kiện   nữa yểm trợ cho ý kiến Chúa Giêsu sinh vào mùa Thu là người La Mã rất khôn   ngoan và thông minh, họ sẽ không định thời gian kiểm tra dân số vào chính giữa   mùa đông, lúc khí hậu rất khắc nghiệt, mà phải vào thời gian với những điều   kiện thời tiết dễ chịu hơn nhiều.
 Ông Giuse là dân Bethlehem nên phải di chuyển gia đình từ Nazareth, xứ Galilee về Bethlehem cùng với vợ là Mary đang có thai   sắp đến ngày sanh. Do đó không có lý do gì mà ông cùng với Mary lại làm một   cuộc hành trình dài vào mùa đông giá lạnh như vầy. Theo Tin Mừng Phúc Âm thánh   Luca thì Mary hạ sanh chúa Giêsu vào đúng thời gian hoàng đế La Mã là   Augustine cho kiểm tra dân số trên cả nước, mà theo sự khôn ngoan chẳng ai lại   lên chương trìng này vào tháng 12 giá lạnh cả.
KẾT  CỤC:  CÓ GÌ  KHÁC  BIỆT  KHÔNG?
Kinh Thánh thì   chẳng đưa ra lý do gì -và chắc chắn cũng không có một chỉ dẫn nào- để yểm trợ   cho câu chuyện Lễ Giáng Sinh và Ông già Noel/Santa Claus. Nhưng lễ Giáng Sinh   với ông già Noel / Santa Claus thì vẫn là một sự thực, một tập tục, một thói   quen đã được chấp nhận và trở thành hiển nhiên chẳng ai thắc mắc. Christmas /   Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ngày chúa Giêsu sinh ra để cứu chuộc nhân loại.   Ông già Santa Claus thì là một nhân vật thần thoại giả tưởng làm chuyện vui   cho trẻ nít, câu chuyện luân lý để dạy trẻ nít biết vâng lời bố mẹ, ngoan   ngoãn. Người lớn thì có dịp nghỉ thư dãn, tặng quà, kỷ vật cho nhau, gia đình   xum họp trong cảnh thanh bình ấm cúng thương yêu. Ngoài những sinh hoạt êm ấm   trong gia đình còn có những sinh hoạt ồn ào bên ngoài như hội hè, tụ họp ăn   uống, nhậu nhẹt, nhảy đầm vui chơi…..
  Lễ Giáng Sinh đã trở   thành phổ quát trong dân gian trên khắp các nẻo đường thế giới, không riêng gì   cho người Công Giáo / Kitô Giáo mà cho cả những người thuộc các tôn giáo khác   hoặc vô thần…Những người không phải công giáo thì coi Lễ Giáng Sinh là dịp lễ   hội, nghỉ thư dãn, vui chơi, ăn nhậu thả dàn. Ở Sàigon trước 1975 (tôi không   biết bây giờ dưới chế độ XHCN thì thế nào), đêm Giáng Sinh, trong khi ở trong   các thánh đường,  giáo dân tụ tập   lại, chăm chú dâng lễ, đọc kinh, hát những bài thánh ca mừng Chúa ra đời, thì   ngoài đường phố thiện nam tín nữ áo quần bảnh bao chen chúc nhau dạo phố, xe   cộ và người qua lại như trẩy hội. Tôi không hiểu họ đi đâu?, để làm gì?. Cứ   đi, cứ đi…theo giòng người đi như nước chảy. Xem đèn ông sao? Xem phố phường?   Xem người? Xem xe cộ chạy? Ai mà biết nhỉ? Ở hải ngoại Hoa Kỳ, sau những ngày   mệt mỏi shopping để tiêu tiền, mua quà tặng, sửa soạn giáng sinh, trang hoàng   trong nhà ngoài ngõ, đêm Giáng Sinh người ta vui hưởng cảnh ấm cúng gia đình   trong nhà nhiều hơn. Dĩ nhiên cũng có những hội họp chè chén nhậu nhẹt ngoài   qu án rượu, tiệm ăn. 
    Giáng Sinh đã   phổ quát đến độ nó không còn giới hạn trong phạm vi tôn giáo nữa. Họ chúc nhau   một mùa nghỉ vui tươi đầm ấm và hạnh phúc. Ngày nay có những  phong trào / tư tưởng không gọi ngày   lễ này là Lễ Giáng Sinh mà gọi là Mùa Lễ Nghỉ. Holidays Season. Người ta ăn   chơi hưởng thụ, làm bất cứ cái gì họ muốn trong khi trong các thánh đường đèn   nến sáng trưng, vẫn vang vọng tiếng hát mừng Chúa ra đời:   
                             Vinh danh Thiên Chúa trên trời


                          Bình an dưới thế cho người thiện tâm
       Lễ Giáng Sinh   hiển nhiên vẫn là biểu hiệu của Bình An và Hòa Bình của Chúa Cứu Thế. Đâu có   gì phải chê trách, có chăng là tâm con người vẫn không có hòa bình và tình yêu   thương.


Fleming   Island, Florida


9-12-2011


NTC 

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

CHUYỆN GIÁNG SINH

 Một chuyện tình cảm động nhân dịp Giáng Sinh


Quà giáng sinh
O-Henry
Một đồng tám mươi bảy xu, đúng như vậy. Hàng ngày, cô cố gắng tiêu thật ít tiền khi đi chợ. Cô đi loanh quanh tìm mua thứ thịt và rau rẻ nhất cho bữa ăn hàng ngày, ngay cả lúc cảm thấy hết sức mệt mỏi cô vẫn cố tìm kiếm. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Della đếm lại số tiền ít ỏi một lần nữa. Không hề có sự nhầm lẫn, chỉ có một đồng tám mươi bảy xu, và ngày mai sẽ là lễ giáng sinh.

Cô sẽ không thể làm gì hơn, chỉ còn cách ngồi xuống và khóc mà thôi. Ở đó, trong một căn phòng nhỏ, tồi tàn, cô đang nức nở.

Della sống trong căn phòng nhỏ nghèo nàn này với chồng của cô, James Dillingham Young, ở thành phố NEW YORK.

Họ có một phòng ngủ, một phòng tắm và một nhà bếp. James Dillingham Young may mắn hơn cô vì anh ấy có việc làm. Tuy vậy đó không phải là một công việc kiếm được nhiều tiền. Tiền thuê căn phòng này chiếm gần hết lương của anh ấy. Della đã cố gắng rất nhiều để tìm một công việc nhưng vận may đã không mỉm cười với cô. Tuy nhiên, cô rất hạnh phúc khi ôm Jim, James Dillingham Young, trong tay mỗi khi anh trở về.

Della đã ngừng khóc. Cô lau khô mặt rồi đứng nhìn một chú mèo xám trên bức tường đồng màu với nó bên cạnh con đường tối ngoài cửa sổ.

Ngày mai là Noel và cô chỉ còn một đồng tám mươi bảy xu để mua cho Jim, Jim của cô, một món quà. Cô muốn mua một món quà thật sự có ý nghĩa, một thứ có thể biểu hiện được tất cả tình yêu cô dành cho anh.

Della chợt xoay người chạy đến bên chiếc gương treo trên tuờng. Mắt cô sáng lên.

Cho đến bây giờ, gia đình James Dillingham Young chỉ có hai vật quí giá nhất. Một thứ là chiếc đồng hồ vàng của Jim. Chiếc đồng hồ này trước đây thuộc sở hữu của cha anh ta và trước nữa là ông nội anh. Thứ còn lại là mái tóc của Della.
Della thả nhanh mái tóc dài óng mượt xuống lưng. Thật tuyệt đẹp, không khác nào như một chiếc áo khoác đang choàng qua người cô. Della cuộn tóc lên lại. Cô đứng lặng đi rồi thút thít một lát.

Della bước chậm rãi qua các cửa hàng dọc hai bên đường rồi dừng lại trước bảng hiệu "Madame Eloise". Tiếp cô là một phụ nữ mập mạp, bà ta chẳng có một chút vẻ "Eloise" nào cả.

Della cất tiếng hỏi: "Bà mua tóc tôi không?"

- "Tôi chuyên mua tóc mà", bà ta đáp và bảo : "Hãy bỏ nón ra cho tôi xem tóc của cô đi".

Suối tóc nâu đẹp tụyệt vời buông xuống.

- "Hai mươi đồng" - bà ta định giá, bàn tay nâng niu mái tóc óng ả.

- "Hãy cắt nhanh đi! và đưa tiền cho tôi" - Della nói.

Hai giờ tiếp theo trôi qua nhanh chóng. Cô tìm mua quà cho Jim trong các cửa hiệu trong niềm vui khôn tả. Cuối cùng cô cũng chọn được một thứ. Ðó là môt sợi dây đồng hồ bằng vàng. Jim rất quí chiếc đồng hồ của mình nhưng rất tiếc là nó không có dây. Khi Della trông thấy sợi dây này cô biết rằng nó phải là của anh và cô phải mua nó.

Cô trả hai mươi mốt đồng để mua và vội vã trở về nhà với tám mươi bảy xu còn lại.

Ðến nhà, Della ngắm mái tóc cực ngắn của mình trong gương và nghĩ thầm :"Mình có thể làm gì với nó đây?". Nửa giờ tiếp theo cô nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ. Xong Della lại ngắm nghía mình trong gương lần nữa. Tóc của cô bây giờ toàn những sợi quăn quăn khắp đầu. "Chúa ơi, mình trông như một con bé nữ sinh ấy!". Cô tự nhủ: "Jim sẽ nói gì khi thấy mình như thế này?"

Bảy giờ tối, bữa ăn đuợc chuẩn bị gần xong. Della hồi hộp chờ đợi, hy vọng rằng mình vẫn còn xinh đẹp trong mắt Jim.

Thế rồi cửa mở, Jim bước vào. Anh ấy trông rất gầy và cần có một cát áo khoác mới. Jim nhìn chằm chằm vào Della. Cô không thể hiểu được anh đang nghĩ gì, cô sợ. Anh ta không giận dữ, cũng chẳng ngạc nhiên. Anh đứng đó, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ. Della chạy đến bên Jim òa khóc: "Ðừng nhìn em như thế, anh yêu. Em bán tóc chỉ để mua cho anh một món quà. Tóc sẽ dài ra mà. Em phải bán nó thôi, Jim à. Hãy nói "Giáng sinh vui vẻ", em có một món quà rất hay cho anh này!"

- Em đã cắt mất tóc rồi à? - Jim hỏi.

- Ðúng thế, em đã cắt và bán rồi, vì vậy mà anh không còn yêu em nữa ư? Em vẫn là em mà! - Della nói.

Jim nhìn quanh rồi hỏi lại như một kẻ ngớ ngẩn: "Em nói là em đã bán tóc à?"

- Ðúng, em đã nói vậy, vì em yêu anh! Chúng ta có thể ăn tối được chưa, Jim?

Chợt Jim vòng tay ôm lấy Della và rút từ túi áo ra một vật gì đấy đặt lên bàn. Anh nói: "Anh yêu em, Della, dù cho tóc em ngắn hay dài. Hãy mở cái này ra em, sẽ hiểu tại sao khi nãy anh sững sờ đến vậy".

Della xé bỏ lớp giấy bọc ngoài và kêu lên sung suớng, liền sau đó những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống. Trong đó là một bộ kẹp tóc, những chiếc kẹp dành cho mái tóc óng ả của Della. Cô đã mơ ước có đuợc nó khi trông thấy lần đầu tiên qua cửa kính một gian hàng. Những cái kẹp rất đẹp và rất đắt tiền. Bây giờ chúng đã thuộc về cô nhưng tóc cô thì không còn đủ dài để kẹp nữa!

Della nâng niu món quà, mắt tràn đầy hạnh phúc: "Tóc em sẽ chóng dài ra thôi Jim", nói xong cô chợt nhớ đến dây đồng hồ vàng định tặng cho Jim và chạy đi lấy.

- Ðẹp không anh? Em đã tìm kiếm khắp nơi đấy, giờ thì anh sẽ phải thích thú nhìn ngắm nó hàng trăm lần mỗi ngày thôi. Nhanh lên, đưa nó cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này.

Nhưng Jim không làm theo lời Della. Anh ngồi xuống vòng tay ra sau đầu mỉm cuời nói: "Della, hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu. Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua kẹp cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa tối được rồi em ạ".

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

ÔNG GIÀ NOEL

ÔNG GIÀ NOEL LÀ AI?
Thành Patara thơ mộng, một thành phố cổ thuộc miền Tiểu Á, ngày nay nằm ở vùng nam duyên hải Thổ Nhĩ Kỳ.  Trên ngọn đồi, Nicholas ngồi bên tảng đá, chàng hết ngắm nhìn biển xanh rồi lại quay nhìn ngôi nhà xinh xắn của chàng.  Rất nhiều lần chàng đã ngắm nhìn như thế, nhưng hôm nay chàng mới để ý nhà chàng đẹp và sang trọng nhất thành.  Chàng liên tưởng tới song thân đạo hạnh mới lần lượt vĩnh biệt chàng đi vào thế giới vô hình, để lại cho chàng một gia tài kích xù.  Chàng nhớ đến những chiếc rương nặng, đầy vàng bạc và châu báu đang khóa kỹ tại kho tàng nhà chàng…..

Nicholas chậm rãi hướng cặp mắt lên bầu trời muôn mầu sắc lúc hoàng hôn, chàng thầm thĩ cầu nguyện:
-          Lạy Chúa, Ngài biết rằng con không cần đến mọi của cải đó.  Con ước ao phụng sự Ngài.  Xin Ngài dậy con phải làm gì!
Nicholas hiểu rằng Chúa sẽ không trực tiếp trả lời chàng, nhưng chàng tin rằng Ngài sẽ đáp lại lời nguyện cầu của chàng bằng cách này hay cách khác.  Vì thế, chàng chờ đợi…
Một hôm, Nicholas cỡi ngựa qua một xóm nghèo.  Bọn trẻ quần áo xác xơ, cả lũ ngừng chơi nhìn chằm chặp vào chàng thanh niên đẹp trai cỡi trên lưng con ngựa quí.  Lập tức, Nicholas đọc được trong những đôi mắt và trên thân hình gầy gò của chúng sự nghèo túng, đói khát và đáng thương.  Đột nhiên chàng nhớ lại lời Chúa Kitô: “Các con làm điều gì cho một kẻ bé mọn nhất trong anh em Ta đây, chính là các con làm cho Ta”.  “Những kẻ bé Mọn! Các trẻ nhỏ!”  Nicholas tự nghĩ, “ Chúa muốn tôi giúp đỡ các trẻ nhỏ”.  Lập tức chàng quay ngựa đi thẳng đến phố chợ.  Tại đây, chàng mua sắm những quần áo sặc sỡ, những đôi giầy đủ mầu đủ cỡ, rồi chàng xin những người bán hàng chất các rổ, các thúng với mọi thứ thịt thà, bánh kẹo, hạt giẻ và trái cây.  Đồng thời chàng nhờ họ giữ thứ đó cho tới khi chàng trở lại.
Đêm ấy, khi thành phố đã yên giấc, bọn trẻ đã ngủ say, Nicholas bí mật đi từ nhà này sang nhà khác, qua những cửa sổ mở trống, chàng đặt trên sàn nhà từng chiếc rổ, chiếc thúng đầy ắp những bánh quà, thịt thà và quần áo.  Chàng không quên bốc những nắm kẹo và hạt giẻ bỏ vào những đôi giầy mới để gây ngạc nhiên cho bọn trẻ.
Cứ thế, từ hôm này qua hôm khác, ban ngày Nicholas đi tìm kiếm kẻ nghèo đói, đêm đến chàng rảo qua các nhà, bí mật bỏ lại những món quà.
Chẳng mấy chốc, người trong thành đã xôn xao bàn tán, họ hỏi nhau:
-          Ai là người đã bí mật trao tặng chúng ta những món đồ cần thiết, mà chúng ta không hay biết?
Khi nghe được những lời bàn tán của dân chúng, Nicholas tạm ẩn mặt một thời gian.  Chàng chỉ muốn một mình Chúa biết việc chàng làm.  Chàng tự nghĩ: “Nếu mình nhận lời cám ơn về việc mình làm, thì ra như đã nhận công thưởng đời này rồi!”
Ngày kia, Nicholas nghe kể về một người bạn của cha chàng, ông ta cũng là người thành Patara, nhưng làm ăn suy xụp.  Do sự suy xụp này ông ta không đủ tiền để sắm sửa cho ba cô con gái đã đến tuổi thành hôn.  Ông ta dự tính sẽ gửi cả ba đứa con vào làm cho một tửu quán gần nhà, để chúng có thể kiếm tiền lập gia đình.  Khi nghe câu truyện, Nicholas tỏ ra rất bực tức, vì cũng như mọi người trong thành, chàng biết rằng người chủ quán là một kẻ tội lỗi.  Những nàng con gái làm trong tửu quán đó không khỏi đi theo đàng tội!
Ngay đêm đó, Nicholas bỏ đầy một túi nhỏ những đồng tiền vàng, đi thẳng tới nhà người bạn của cha chàng.  Qua cánh cửa sổ đang mở, chàng thẩy túi vàng trên bàn, nơi người con gái lớn đang ngồi.  Khi nghe tiếng la sửng sốt của cô con gái vì túi vàng bỗng dưng từ đâu bay tới, Nicholas lanh lẹ trốn mất!  Không lâu sau đó, chàng nghe kể cô ta đã lập gia đình trong hạnh phúc.  Nhưng hai cô em còn ở lại nhà vì chưa có tiền!
Rồi chẳng bao lâu, Nicholas lại lần mò đến, chàng thẩy một túi vàng khác vào chỗ cô gái kế, và cũng nhờ túi vàng này, người con gái lập được tổ ấm hạnh phúc.
Thời gian kén rể cho cô con gái út đã đến, đêm nào cũng thế, người cha cẩn thận rình mò gần cửa sổ.  Ông nói với cô con gái cưng:
-          Ba cần phải biết ai đã giúp đỡ chúng ta, để chúng ta còn nói với người một lời cám ơn.
Đêm đó, Nicholas lại bí mật ném túi vàng thứ ba qua cửa sổ.  Nhưng bỗng nhiên tay chàng bị nắm lại.  Chàng bị bắt quả tang!
-  À thì ra anh Nicholas, chính anh là người đã cho chúng tôi những túi vàng!  Chúng tôi cần phải biết vị ân nhân của chúng tôi.  Xin mời anh vào trong nhà, để chúng tôi còn tỏ lòng biết ơn anh.
-  Không!  Không!  Tôi không muốn việc tôi làm bị bại lộ.  Cách tốt nhất ông tỏ lòng biết ơn tôi là xin hứa với tôi, sẽ không bao giờ nói cho ai biết việc tôi đã làm.
Sau đó, Nicholas chẳng những dâng hiến của cải và thời giờ cho Chúa, chàng còn dâng mình để trở thành một linh mục.  Rồi một thời gian sau, ngài được chọn làm Giám Mục thành Myra, không xa Patara là bao.  Lòng nhân ái và qủang đại đối với người nghèo của Ngài đồn ra khắp nơi.
Người ta kể rằng, một đêm bão tố khủng khiếp tại biển Aegean, Nicholas cứu nguy một chiếc tầu đã hầu chìm đắm nhờ kêu cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa.  Do câu truyện này, các thủy thủ ở miền đó thường kêu tên Nicholas trước các chuyến hải hành.  Họ chúc nhau một cuộc hành trình tốt đẹp khi nói:
-          Xin thánh Nicholas cầm lái!
Nhiều huyền thoại xoay quanh cuộc đời Đức Giám Mục Nicholas, Đấng sau này đã được phong thánh.  Cùng với thánh Anrê Tông Đồ, Ngài là Quan Thầy nước Nga.  Tại Đức, Thụy Sĩ và Hòa Lan người ta tỏ lòng tôn kính thánh Nicholas bằng nhiều tục lệ tốt đẹp.  Dần dà, Ngài được coi như một vị thánh của trẻ nhỏ.
Trong đêm vọng lễ kính Ngài, ngày 6 tháng 12, trẻ em thuộc nhiều quốc gia đặt giầy của chúng ra ngoài nhà để cho thánh Nicholas bỏ đầy kẹo bánh và đồ chơi.  Nếu chúng vẫn tỏ ra ngoan ngoãn, chúng có quyền hy vọng như vậy.
Người Hòa Lan đã đem những tục lệ này vào Mỹ.  Thánh Nicholas hay “Saint Klaus” của người Hòa Lan từ đó được biết như “ông già Noel” (Santa Claus).  Rồi thay vì đặt giầy ra ngoài nhà vào đêm vọng lễ thánh Nicholas, các trẻ em Mỹ treo những đôi vớ của chúng vào đêm Sinh Nhật để được “ông già Noel” bỏ đầy kẹo bánh và đồ chơi.
Thánh Nicholas qua đời tại Myra vào thế kỷ thứ 4.  Nhiều nhà thờ tại Á Châu và Âu Châu được xây dựng để kính nhớ Ngài.  Thế kỷ 17, khi quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Myra, nước Ý.  Người ta đã di hài cốt Ngài về táng tại Pari, nước Ý và tại đó hài cốt Ngài vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Raymond Thư, Lm, CMC

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

TÂM SỰ TUỔI GIÀ

"Tâm sự tuổi già"  Trịnh Đông A (Sưu tầm)
Năm tháng vội vã đi qua, đời người vất vả ngắn ngủi, thoáng chốc đã bước vào tuổi già. Chẳng giám nói mình đã hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, chúng ta cảm nhận được rằng chỉ có sống cho minh bạch, thì tuổi già mới trôi qua được ung dung, tự nhiên và thanh thản!
Một ngày trôi qua, mất đi một ngày; Một ngày trôi qua, vui được một ngày; Vui được một ngày, lãi được một ngày.   
Hạnh phúc do mình cố tạo dựng. Niềm vui là mục tiêu cuối cùng của đời người. Niềm vui ẩn chứa trong những sự việc nhỏ nhặt lặt vặt trong cuộc sống, phải tự mình đi tìm lấy nó. Hạnh phúc và niềm vui là một loại cảm giác và thể nghiệm, điều mấu chốt là ở tâm trạng.

Đồng tiền không phải là thứ vạn năng. Không có tiền không phải là nhất nhất đều không thể làm được. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo. Một khi hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết đi chẳng mang theo. Nếu có người cần bạn giúp đỡ, hãy rộng lòng mở hầu bao, đó là niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không vui vẻ mà làm việc đó. Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Nhớ làm chủ đồng tiền, chớ đừng làm tôi tớ cho nó.  
"Quãng đời còn lại càng ngắn dần, thì càng phải làm cho nó thêm phong phú". Người già cần phải thay đổi quan niệm cũ kỹ, hãy chia tay với "Sự tu thiền khổ hạnh", hãy cố làm "Con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi. Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, biết hưởng thụ thành quả của thời đại công nghệ cao. Đó mới là mục tiêu cuộc sống của người già.

Tiền bạc là thứ của con cái, địa vị là thứ  tạm thời, vẻ vang là thứ của quá khứ, sức khỏe mới là thứ của mình. 
Tình yêu của cha mẹ với con cái là vô hạn, tình yêu của con cái giành cho bố mẹ là có hạn. Khi con cái ốm đau cha mẹ lo âu, khi cha mẹ nằm trên giường bệnh con cái thăm hỏi vài câu là coi như đủ rồi. Con cái tiêu tiền của cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền của con cái chẳng phải dễ dàng. Nhà của cha mẹ cũng là của con cái, nhà của con cái đâu phải là của cha mẹ. Khác nhau là thế, người đời coi việc lo liệu cho con cái là nghĩa vụ và niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình. 
Chữa bệnh trông cậy vào ai? Trông cậy vào con cái ư? ốm liệt giường chẳng thấy chữ hiếu đâu. Trông đợi vào bạn đời ư? Tự lo cho bản thân còn chưa xong, muốn đỡ đần cũng chẳng làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách dùng tiền để chữa bệnh thôi. 
Thứ nhận được, người ta chẳng hay để ý. Thứ không có được thường nghĩ về nó quá đẹp. Kỳ thực, sự sung sướng và niềm hạnh phúc trong cuộc sống tùy thuộc vào sự thưởng thức nó như thế nào. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mà mình có được, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống phong phú và vui vẻ. 
Cần có tấm lòng rộng mở, tràn đầy lòng biết ơn và thưởng thức cuộc sống. Trông lên chẳng bằng ai, nhìn xuống thì còn hơn khối người. Có được sự hiểu biết đầy đủ, thì lúc nào cũng vui. Tạo cho mình nhiều niềm đam mê, vui với chúng mà không biết mệt, tìm được niềm vui từ trong đó. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.  
Con người ta vốn chẳng phân biệt giầu nghèo sang hèn, chỉ cần mình tận tâm với công việc là coi như đã có cống hiến, có thể yên lòng mà không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng về nghỉ cả rồi, ai cũng đều như thế cả, cuối cùng đều phải trở về với thiên nhiên. Kỳ thực, chức quyền cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao. Niềm vui là sự sung sướng, sung sướng tức là niềm hạnh phúc. 
Quá nửa đời người giành cho sự nghiệp, bao công sức đã giành cho gia đình cho con cái, giờ đây thời gian còn lại cho mình đã không còn nhiều, cần phải quan tâm cho mình sống được tốt hơn. Sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn làm thích làm thì làm. Mặc kệ cho ai đó nhòm ngó nói năng, bởi mình đâu phải sống theo ý thích và không thích của người khác, cần sống với một tự ngã chân thực.

Sống trên đời không thể nào vạn sự như ý, có thiếu sót là lẽ thường tình ở đời. Nếu cứ chăm chăm theo đuổi sự hoàn mỹ, thì sẽ bị cái hoàn mỹ ấy làm cho vất vả. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiên thực, thế nào rồi cũng xong.   
Người già cái tâm không già, thế là già rồi mà không già. Tâm già người không già, thế là không vì già mà già. Nhưng khi xử lý vấn đề cụ thể vẫn cần nghe theo già.
 Sự sống là ở chỗ vận động, nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thu nổi. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào lại khó chịu. Phàm làm việc gì đều cần nắm vững cái "ngưỡng".   
Người ngu xuẩn, chuốc lấy bệnh tật (như nghiện thuốc, nghiện rượu, ăn nhiều, ham uống). Người dốt nát, chờ đợi bệnh tật đến (ngã bệnh mới đi bệnh viện). Người thông minh, biết phòng bệnh, chăm sóc chu đáo bản thân và biết chăm sóc cuộc sống.  
Khát rồi mới uống, đói rồi mới ăn, mệt rồi mới nghỉ, nhíp mắt lại rồi mới ngủ, ngã bệnh rồi mới đi bệnh viện. Kỳ thực đều đã muộn cả rồi.   
Chất lượng cuốc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy. Tư duy có lợi là bất cứ việc gì cũng đều xét theo yếu tố có lợi. Thiết kế cuộc sống tuổi già theo cách tư duy có lợi, sẽ làm cho tuổi già tràn đầy sức sống và tự tin, ngày ngày trôi qua có hương vị. Tư duy có hại là, sống cẩu thả qua ngày với tâm trạng tiêu cực bi quan, như vậy ắt sẽ chóng già chết sớm.   
Vui chơi là một trong những yêu cầu cơ bản của người già. Hãy ấp ủ trái tim con trẻ để tìm cho mình trò chơi ưa thích nhất. Trong vui chơi hãy thể nghiệm sự hưng phấn và vui sướng của chiến thắng, thua không cay cú, chơi là đùa vui. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần sự kích thích và hưng phấn thỏa đáng để tạo thành sự tuần hoàn lành mạnh.   
"Hoàn toàn khỏe mạnh" đó là chỉ thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức lành mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là chỉ người già có sức chịu đựng tương đối tốt, biết tự chủ, biết giao thiệp. Đạo đức lành mạnh là người có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có tấm lòng khoan dung rộng mở, chăm làm điều thiện. Như vậy ắt sẽ sống lâu.

Con người là thành viên của xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, cần chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình. Đó mới là cách sống lành mạnh.
 Cuộc sống tuổi già cần phải đa tầng, đa nguyên, muôn màu muôn vẻ. Có một, hai bạn tốt thì chưa đủ, cần phải có một nhóm bạn già, tình bạn có thể làm đẹp thêm cuộc sống của người già, làm cho cuộc sống của bạn có nhiều hương vị, muôn màu muôn vẻ.  
Con người chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Điều mấu chốt là trong thời gian đau buồn ấy bạn chọn cách sống như thế nào.  
Người già tại sao hay hoài cổ? Con người đến cuối đời, sự nghiệp đã đi đến tận cùng, sự vinh quang trong quá khứ đã trở thành mây khói xa vời, đứng ở trạm cuối cùng của cuộc đời, tâm linh khát khao được làm sạch, tinh thần cần thăng hoa, mong muốn tìm lại được những tình cảm chân thành. Lúc này, chỉ có quay trở về chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn học cũ kể lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được thứ cảm giác của thời trẻ đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành ấy là một niềm vui lớn của người già.  
Nếu như bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi được hiện trạng không vừa ý mình, thì hãy cứ để mặc kệ nó! Đây có thể là một dạng giải thoát. Phàm việc gì đã cố mà chẳng được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
Sinh lão bệnh tử là quy luật muôn đời, không cưỡng lại được. Khi thần chết vẫy gọi thì hãy thanh thản mà ra đi và hãy mỉm cười hãnh diện với tử thần. Chỉ cần mình sống một cuộc đời chính trực, không làm việc thất nhân tâm, bèn có thể yên lòng đắc lý đặt cho mình một dấu chấm hết tròn trịa.  

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Anata - Ngọc Lan

Chào các bạn,

Trong thời đại thông tin bùng nổ của chúng ta, với đủ mọi thứ báo chí, TV, radio, email, websites, blogs… chúng ta nói/viết rất nhiều và nghe/đọc cũng rất nhiều. Ngôn ngữ tràn ngập đường phố, tràn ngập không gian thật, và tràn ngập không gian ảo. Vì vậy, trong mọi loại tội lỗi gây ra ngày nay, có lẽ là tội lỗi từ lời nói và chữ viết là nhiều nhất.

Phật pháp có bốn giới hạnh về ngôn ngữ, tức là bốn điều cấm kị về lời nói: vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, và ác khẩu.
1. Vọng ngôn là nói dối. Có nói thành không, không nói thành có.
Trong luật pháp còn có khái niệm “misleading” (dẫn đi lạc), tức là nói một nửa giấu một nửa để cho người ta hiểu lầm. Ví dụ : “Anh yêu em trọn đời” (nhưng anh không nói ra là anh dự tính chẳng bao giờ cưới em làm vợ). Trên nguyên tắc thì câu nói yêu em là đúng, ngoại trừ nó thiếu phần sau nên nó được dùng để lừa con gái người ta.
2. Ỷ ngữ là thêu dệt. Có 1 thêu dệt thêm thành 10, để nói xấu người khác (kiểu các blog nhảm nhí), hoặc lường gạt người khác (kiểu người bán hàng không thành thật).
3. Lưỡng thiệt là hai lưỡi. Tức là đâm thọc đầu này đầu kia để thiên hạ đánh nhau.
4. Ác khẩu là lời hung ác.
Ngày nay trong các diễn đàn và thư rác, nhất là các diễn đàn và thư rác có mùi chính trị, bốn loại ngôn ngữ cấm kị này tràn ngập. Chúng hủy hoại văn hóa và trí tuệ của chúng ta. Những người dùng những loại ngôn ngữ này đầu độc chính họ và những người khác. Họ làm dòng thông tin của xã hội mất chính xác vì toàn dối trá, làm người ta ngu dốt vì tiêu thụ thông tin dối trá, và làm người ta hung ác vì tiêu thụ ngôn từ và ‎ý tưởng hung ác.
Một xã hội toàn thông tin rác tạo ra người dốt và ác, thì xã hội đó chỉ có thể là trộm cướp.
Ngày nay, vì các lối nói và viết như thế tràn lan, ta chỉ nói đó là “thiếu văn hóa”.
Nhưng, sự thật là trong rất nhiều trường hợp, đó là hình tội. Ví dụ: Nói dối hay thêu dệt trên blog về một người nào đó có thể là tội vu khống hay mạ lị. Nói dối để lấy tiền của người là tội lừa lọc.
Trong các truyền thống tâm linh, bốn cách nói trên (vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu) là tội lỗi.
Trên phương diện phát triển tâm lý con người, chúng làm cho nhiều người trong xã hội thành ngu dốt, hung ác, và thiếu phẩm cách.
Trên phương diện ngoại giao và quản lý, chúng là cơn bệnh mà bệnh nhân bị mất sự tin tưởng và kính trọng của người khác, cho nên người đó ngóc đầu lên không được trên đường sự nghiệp.
Vì vậy, hàng ngày, khi bạn đọc thì lựa bài mà đọc, nghe thì lựa bài mà nghe, nói hay viết thì lựa từ mà dùng.
Đối nghịch lại với 4 loại ngôn ngữ xấu này, là “chánh ngữ”.
Chánh ngữ là một trong tám nhánh đường giác ngộ (bát chánh đạo).
Chánh ngữ là lời nói thành thật, chính xác, hòa ái.
Chánh ngữ là nói/viết với chánh niệm—tức là tập trung tư tưởng vào lời nói hay chữ viết mình đang dùng, với một trái tim thiện hảo mong mang lại yêu thương, tích cực, và phúc lợi cho những người nghe/đọc mình.
Ngôn ngữ có thể là một trong tám nhánh đường đưa đến giác ngộ–giải thoát ta khỏi biển si mê—hay là một nghiệp tội đẩy ta xuống địa ngục tối tăm của ngu dốt.
Cho nên, các bạn, hãy lựa lời mà nói/viết.
Chúc các bạn một ngày chánh ngữ.
Mến,
Hoành

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

THÁNH LỄ MISA



GIÁ TRỊ CỦA MỘT THÁNH LỄ MISA

Nữ tu MARY VERONICA MURPHY
 
Xin hãy cùng đọc một chứng từ có thật, hết sức giản dị đơn sơ, nhưng lại quá độc đáo bất ngờ, để rồi cùng có được diệu cảm về Thánh Lễ...  

 
Cha Stanislaus là Linh Mục Hội Dòng Thánh Tâm Chúa. Ngài có một người anh làm Linh Mục Dòng Tên. Thân phụ của hai anh em này là Đại Úy kiểm lâm trong một thị trấn nhỏ của Luxemburg. Ông rất sùng đạo, vẫn đi Lễ và rước Lễ hàng ngày.
Khi nói chuyện với cha Stanislaus về thời thơ ấu của ngài, tôi nói: “Cha thật có phúc được nuôi dưỡng trong một gia đình Công Giáo đạo đức, đã có công cống hiến cho đời hai vị Linh Mục.”
Ngài đáp: “Vâng, đúng thế, nhưng không phải mọi sự đều trôi chảy như vậy từ đầu cả đâu ! Khi chúng tôi còn bé, cha tôi đã bỏ đạo, và mặc dù mẹ tôi còn đọc kinh cầu nguyện nhưng trong gia đình không một ai đi Lễ, kể cả Chúa Nhật, thể theo ý muốn của cha tôi.
Tôi nói: “Trời đất ơi ! Cha làm tôi ngỡ ngàng quá chừng. Chuyện hiếm có như vậy mà có thể xảy ra thật ư ? Vậy chứ ơn gọi làm Linh Mục từ đâu mà ra ?”
Ngài nói: “Một hôm, sau khi cha tôi đến thăm một tiệm bán thịt gần nhà thì ông đã đột nhiên thay đổi ý kiến. Câu chuyện xảy ra chiều hôm đó tại nhà hàng bàn thịt này là nguyên nhân hoán cải của cha tôi.” Tôi đáp: “Một tiệm bán thịt ! Một ơn hoán cải trong một tiệm bán thịt ! Chuyện gì đã xảy ra vậy ?”
Cha Stanislaus nói: “Ồ, đầu đuôi câu chuyện xảy ra như thế này. Cha tôi và ông chủ tiệm là một đôi bạn thân từ hồi còn bé. Khi hai người đang say sưa chuyện vãn như mọi lần thì một bà già lọm khọm bước vào.
Ông chủ tiệm ngưng nói chuyện và bước tới hỏi xem bà cụ cần gì. Bà nói bà đến xin ông một chút thịt nhưng bà không có tiền. Cha tôi chú ý lắng nghe câu chuyện bi hài giữa bà cụ và ông chủ tiệm.
Ông chủ tiệm nói: “Bà cần một chút thịt ư ? Nhưng tôi cần biết bà có thể trả cho tôi bao nhiêu tiền cái đã."
Bà cụ đáp: “Rất tiếc là tôi không có đồng xu nào cả… nhưng tôi sắp đi Lễ đây, và nếu ông muốn thì tôi sẽ dâng Thánh Lễ theo ý chỉ của ông.”
Ông chủ tiệm và cha tôi đều là người tốt bụng ( nhưng cả hai đều coi thường tôn giáo, nhất là Thánh Lễ Misa và Giáo Hội Công Giáo ) cho nên cả hai đều muốn đùa giỡn chút chơi với câu trả lời của bà già lẩm cẩm.
Ông chủ tiệm bèn nói: “Được rồi ! Đây là một miếng giấy nhá” và ông viết mấy chữ ‘Tôi đi xem lễ và dâng lễ theo ý chỉ của ông…’ rồi đưa cho bà cụ ông nói: “Cụ đi xem lễ đi và cầu nguyện theo ý chỉ của tôi nhá. Khi về, bà sẽ đưa cho tôi miếng giấy này và chúng ta sẽ xem một Thánh Lễ đáng giá bao nhiêu ký thịt.”
Bà cụ tươi cười ra đi cầm theo tờ giấy. Bà biết Chúa nhân lành sẽ giúp đỡ bà. Khoảng một giờ sau, bà trở lại tiệm bán thịt. Khi nhìn thấy bà ông chủ tiệm liền nói: “Đâu, tờ giấy đâu, bà đưa cho tôi đi và chúng ta sẽ xem Thánh Lễ của bà dâng cho tôi đáng giá bao nhiêu tiền nhá !”
Bà đưa tờ giấy cho ông, ông đặt tờ giấy lên bàn cân phía tay mặt. Trên bàn cân phía trái ông để một khúc xương nhỏ, nhưng mảnh giấy có vẻ nặng hơn miếng xương của ông. Vậy là ông lấy miếng xương ra và đặt vào bàn cân bên trái một miếng thịt nhỏ. Nhưng bàn cân bên mặt vẫn nặng hơn. Ông bèn lấy một miếng thịt lớn hơn đặt trên bàn cân trái, tuy nhiên bàn cân mặt vẫn không nhúc nhích.
Đến lúc này thì cả hai ông đều cảm thấy xấu hổ vì sự nhạo báng của mình, nhưng ông chủ tiệm vẫn còn muốn tiếp tục trò chơi của ông. Ông bèn đặt một tảng thịt thật nặng lên bàn cân trái, nhưng bàn cân mặt vẫn đứng yên bất động. Ông nghĩ chắc cái cân bị trục trặc kỹ thuật thế nào đó chứ không lẽ… Ông lấy miếng giấy ra khỏi bàn cân bên mặt xem sao, tức thì bàn cân bên trái xẹp ngay xuống dưới sức nặng của tảng thịt lớn.
Ông chủ liền lấy cả hai thứ ra khỏi bàn cân, để kiểm soát kỹ lại xem cân có bị trục trặc gì không… rồi ông cân một vài thứ khác như ông vẫn làm từ trước tới nay, thì thấy cái cân hoàn hảo và rất chính xác.
Sau cùng ông chủ đảo ngược hai thứ trên bàn cân: ông đặt tờ giấy lên phía bên trái và tảng thịt lên phía bên mặt. Tuy nhiên tờ giấy vẫn nặng ký hơn tảng thịt rất nhiều.
Bực mình, ông nhẹ nhàng nói với bà cụ: “Bà cụ ơi, bây giờ bà muốn gì nào… tôi có phải đưa cho cụ cả một cái đùi cừu chăng ?”
Bỗng chốc, cả ông hàng thịt lẫn viên đại úy đều nhận ra rằng Thánh Lễ Misa thật là vô giá. Ngay lúc đó, cả hai đều được ơn soi sáng để hiểu biết rằng không thể tính được một Thánh Lễ đáng giá bao nhiêu tiền.
Ông hàng thịt đã hoàn toàn hoán cải vì chuyện vừa xảy ra, và ông hứa sẽ cung cấp thịt hàng ngày miễn phí cho bà cụ. Ông giữ lời hứa. Tiếng đồn lan ra các vùng lân cận, dân nghèo khác cũng đến lãnh phần thịt hàng ngày của họ. Rồi lòng quảng đại của ông được các vùng khác biết đến. Thiên hạ cũng nói rằng phẩm chất thịt của tiệm ông rất ngon nên số doanh thu của ông tăng nhanh hơn bao giờ hết.
Cha tôi, tức ông đại úy, ngay hôm sau đã đi Nhà Thờ xem Lễ, và ông được ban cho một thánh sủng khác. Ông được ơn nhận biết Chúa Giêsu đích thực hiện diện trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, và ngày hôm sau nữa, cả nhà chúng tôi kéo nhau đi xem Lễ hàng ngày. Trong nhà chúng tôi không khí đã đổi khác không như trước nữa.
Hạnh phúc chúng tôi được ban cho thật là vĩ đại, khôn tả xiết, và chúng tôi bắt đầu kính mến Chúa và thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Gia đình chúng tôi bỗng trở nên một Tiểu Thiên Đàng, và tôi tin chắc rằng cha mẹ tôi đang chờ chúng tôi đến gặp các ngài trên đó!
 

Trích bài viết của Sr. MARY VERONICA MURPHY
Bản dịch của Louis LÊ XUÂN MAI

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Cô Bé 12 Tuổi Khiến Cả Thế Giới Phải Im Lặng Trong 6 Phút

ĐẶC ĐIỂM NGƯỜI VIỆT NAM


    
ĐẶC TÍNH NGƯỜI VIỆT 
Yêu hòa bình nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, háo thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cuộc.
  Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc 1 người làm thì tốt, mà 3 người làm thì kém, và 7 người làm thì hỏng).
Chính hai điều nầy tạo cho Việt Nam là dân tộc yếu

 --- đọc nhận xét mà cảm thấy buồn!

10 đặc điểm của người VN
(Viện nghiên cứu  xã hội Mỹ đánh giá)  
 

 
1.     Cần cù lao động, song có tâm lý huởng  thụ.
2.     Thông minh, sáng tạo, song thường có tính chất đối phó.
3.     Khéo léo, song không duy trì đến cùng, ít quan tâm đến sự hòan hảo.
4.     Vừa thực tế vừa mơ mộng, song lại nhút nhát.
5.     Ham học hỏi, có khả năng tiếp thụ nhanh, song ít khi học 'từ đầuđến đuôi' nên kiến thức không hoàn hảo, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tạo thân của mỗi người VN (nhỏ học vì gia đình,lớn lên học vì sĩ diện & công ăn việc làm, ít khi vì chí khí hay đammê).
6.     Vui vẻ cởi mở với mọi người, song không bền.
7.     Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những việc vô bổ.
8.     Có tinh thần đòan kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hòan cảnh khó khăn, bần hàn.  Còn trong điều   kiện sống tốt hơn,giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.  
9.     Yêu hòa bình nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, háu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cuộc.
10.  Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc 1 người làm thì tốt, mà 3 người làm thì kém, và 7 người làm thì hỏng).
(LUAN NGUYEN VO )

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Emmanuel Kelly The X Factor 2011 Auditions Emmanuel Kelly FULL

CHUYỆN NGỤ NGÔN

Trong cái rủi có cái may

(Chuyện ngụ ngôn)
Ngày xưa có một ông vua có rất nhiều cận thần thân tín. Tuy nhiên ông ta tỏ ra đặc biệt yêu mến một người trong số họ bởi người này rất thông minh, giỏi giang và luôn luôn đưa ra những lời khuyên hữu ích.
Một ngày nọ, nhà vua bị một con chó cắn vào ngón tay và vết thương ngày càng trở nên trầm trọng. Nhà vua liền hỏi người cận thần rằng đó có phải một điềm xấu hay không. Người cận thần trả lời: “Đó là điều tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được, thưa đức vua”.
Cuối cùng, ngón tay của nhà vua bị hoại tử nặng và cần phải cắt bỏ. Nhà vua liền hỏi lại người cận thần: “Hẳn đây là một điềm xấu?”.
Một lần nữa, người cận thần vẫn trả lời như cũ: “Tốt hay xấu rất khó để nói, thưa đức vua”. Nhà vua tức giận tống giam người cận thần của mình.
Vào một ngày nhà vua đi săn trong rừng. Ông khấp khởi mừng thầm khi mải mê đuổi theo một con nai rồi ngày càng dấn sâu hơn vào rừng rậm. Cuối cùng nhà vua nhận thấy mình bị lạc. Điều tồi tệ hơn là ông bị thổ dân bắt lại làm vật tế thần. Nhưng họ bất ngờ nhận ra rằng nhà vua thiếu mất một ngón tay. Ngay lập tức họ thả nhà vua ra vì ông ta không phải là một người đàn ông hoàn hảo và không phù hợp để dâng cúng - Tế Thần.
Sau đó nhà vua đã tìm được đường về cung điện. Nhà vua hiểu ra lời nói của người cận thần năm xưa:
“Tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được”. Nếu không bị mất một ngón tay, nhà vua có thể đã bị giết.
Ngay lập tức, nhà vua truyền lệnh thả người cận thần của mình và xin lỗi anh ta. Nhưng người cận thần không có vẻ gì oán trách nhà vua khi bị tù đày. Trái lại, người cận thần nói: “Đó không hẳn là điều tồi tệ khi đức vua giam thần lại”.
“Tại sao?”, nhà vua hỏi.
“Bởi nếu đức vua không giam thần lại, thần sẽ được đi theo trong chuyến đi săn. Nếu người dân bản địa nhận ra rằng nhà vua không thích hợp cho việc cúng tế, họ sẽ sử dụng thần để dâng lên vị thần của họ”.
Đôi khi chúng ta luôn cảm thấy thất vọng, đau buồn khi mọi thứ không suôn sẻ như mong đợi. Cũng có khi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ. Khi điều đó xảy ra, không có gì là sai khi chúng ta khóc hoặc cảm thấy thất vọng. Nhưng một khi bạn bình tĩnh và kiểm soát bản thân trở lại, hãy thử nhìn chúng dưới một góc độ khác, có thể bạn sẽ nhận ra rằng chúng không tồi tệ như bạn nghĩ và đôi khi là cơ hội để bạn có được điều tốt hơn.
Có những điều tưởng chừng như thuận lợi ban đầu lại có kết thúc tồi tệ và ngược lại.
Không có gì thực sự xác định được là xấu hay tốt. Hay chăng chỉ là vấn đề mà chúng ta nhìn nó theo chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi.
Nói cách khác, trong cái rủi có cái may, và điều quan trọng nhất là không bao giờ được từ bỏ hy vọng. Vì nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng (Where there's life, there's hope). Thế giới này vẫn luôn có một nơi tốt đẹp và cuộc sống vẫn muôn màu.


Bài đăng phổ biến