Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

CHỮ PHÚC

,


Ti Sao Người Ta Treo Ch Phúc Ngược

Thỉnh thoảng chúng ta lại thấy được trên vài tấm thiệp chúc Tết hay trong tranh treo lại vẽ chữ PHÚC "ngược"
. Không phải là do viết sai hay in sai mà tục treo chữ phúc ngược có nhiều giai thoại kể lại nguồn gốc .
Sau đây là vài câu chuyện sưu tầm về nguồn gốc chữ PHÚC ngược xin gửi đến các bạn nhân ngày đầu năm mới
Chữ Phúc tiêu biểu cho may mắn sung sướng, thường dùng trong từ ngữ hạnh phúc
. Người Á Đông, từ lâu đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ phúc, mà ngày nay người ta còn thấy trong nhiều vật trang trí, trong kiến trúc, và cả trên y phục.
Từ đời nhà Minh (1368-1644), người ta thường khắc trên cánh cửa chính một chữ phúc lớn như để đón đợi hạnh phúc tới nhà, đúng như lời cầu mong của người Trung Quốc: , phúc tinh cao chiếu, nghĩa là sao phúc từng cao chiếu xuống hay câu: , đa phúc đa thọ, nghĩa là nhiều may nhiều tuổi thọ, thường dùng để chúc nhau.

Ngoài hình con giơi tượng trưng cho chữ phúc, người ta còn dùng trái phật thủ hay tranh ảnh vị phúc thần và vị môn thần dán trên cửa hay khắc trên mặt cửa vào đình chùa dinh thự 



Chữ PHÚC ngược

Ngày Tết nguyên đán, người Trung Quốc có tục treo thuận hoặc treo ngược chữ Phúc ở trên cửa. 
Có hai truyện truyền kỳ giải thích truyện này. Truyện thứ nhất là một truyện từ đời nhà Minh (1368-1644) về chữ phúc viết thuận.
Một hôm Minh Thái Tổ, Chu Nguyên Chương, vi hành tới một thị trấn nhỏ. 
Nhà vua thấy một đám đông người cười rỡn bên một bức họa. Tới gần, nhà vua thấy đó là một bức vẽ một bà già có bàn chân lớn quá khổ, tay ôm một trái dưa hấu.
Nhà vua nhận ra bà già này chính là hoàng hậu.
Nổi giận, nhà vua sai quân hầu theo dõi từng ngưòi trong đám người hỗn sược này về tận nhà, và viết chữ phúc trên cửa, để ngày mai nhà vua sẻ phái quân tời bắt.
Trở về hoàng cung, nhà vua kể lại truyện này cho hoàng hậu nghe. Hoàng hậu vốn sẵn từ tâm, bà khẩn sai quân hầu hỏa tốc tới thị trấn này viết chữ phúc trên cửa mọi nhà dân. 
Sáng mai quan quân tới sau, không còn cách nào nhận ra được những ai là kẻ bị nhà vua cho lệnh tới bắt.
Từ đó, người ta tin rằng chữ phúc, viết có thể dùng làm bùa hộ mạng cho mọi người.
Truyện thứ hai là truyền thoại từ đời nhà Thanh (1661-1911) về chữ phúc viết hay treo ngược.
Chiều ba mươi tết, quan phủ lý của thái từ Cung Thân, cho lệnh treo chữ phúc trên cửa những chính ra vào đông cung.
Có một tên lính hầu không biết chữ, treo ngược chữ Phúc. Thái từ nhìn thấy, nổi giận định trừng phạt tên lính hầu này.
Quan phủ lý vốn là người giầu từ tâm, liền nghĩ ra cách gỡ tội cho tên lính hầu.
Quan còn biết lòng thái tử khao khát may mắn để sớm lên ngôi báu.
Ngài tâu thái tử: chữ phúc treo ngược là chữ phúc đảo, , theo tiếng Trung Quốc đồng âm với chữ đáo , nghĩa là tới. Vậy chữ phúc treo ngược là điềm báo phúc đang tới.
Thái tử hài lòng, không những không trừng phạt tên lính hầu mà còn trọng thưởng qua phủ lý và ban cho mỗi tên lính hầu năm lạng bạc. Quả là phúc đã tới với đám người này trong đêm trừ tịch đó.

Một giai thoại khác về chữ PHÚC

Tết đến, chữ Phúc thấy ở khắp nơi; trên quả dưa hấu, trên ổ bánh, hộp mứt, trên bao bì đủ loại quà... và trước cửa nhà người ta dán một chữ Phúc hay một câu "Ngũ phúc lâm môn".
Có mỗi một chữ Phúc thôi... thế mà biểu hiện ra không biết bao nhiêu dạng thức; lại nữa, "thế nhân đa cầu" nên Phúc được cộng thêm nhiều biểu tượng khác để chúc tụng nhau trong những dịp lễ lạt.

1. Chữ Phúc viết theo những lối chân, thảo, triện, lệ đã đành,còn có lối vuông (phương phúc tự), chữ tròn (đoàn phúc tự), rồi lại có nhiều đồ án biểu tượng "Ngũ phúc lâm môn" (Ngũ phúc: Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh) và đến "Bách phúc" (Trăm chữ Phúc) là tối đa, trên đời, ai mà được phúc nhiều 
2. Lại có tục dán hoặc treo chữ Phúc ngược, gọi là "Đảo Phúc", cốt mong cho điều phúc thay đổi không giống như những gì đã sở đắc của năm cũ. Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng:
- Có một ông vua vào đêm cuối năm vi hành để xem xét cảnh dân tình ăn tết ra sao và ông thấy nhà nọ treo cái lồng đèn kéo quân, trên đó có vẽ cảnh tượng chế nhạo ngay chính Hoàng hậu.
Vua giận lắm, bèn với tay treo ngược chữ Phúc trước nhà người ấy, cốt đánh dấu đặng sáng mai sai quân cấm vệ đến bắt để hành tội.
Khi vua trở về cung, vẻ mặt còn giận.
Hoàng hậu thấy bèn gạn hỏi. Vua không giấu được liền kể lại sự việc. 
Hoàng hậu là người nhân từ nên sau đó sai đám thái giám ra khỏi hoàng cung, bắt mọi nhà đều treo chữ Phúc ngược lại.
Chính nhờ đó, mà sáng ra, quân cấm vệ không tìm được ai là người chơi đèn kéo quân nhạo báng Hoàng hậu. 
Câu chuyện này được coi là khởi đầu của tục treo chữ Phúc ngược.
3. Trong tiếng Hoa, dơi còn được gọi là "Phúc thử", do vậy dơi cũng được dung làm biểu trưng cho phúc.
Điều này khá phổ biến trong các đồ án trang trí kiến trúc cũng như các loại văn hóa phẩm khác (thiệp, bao lì xì, các loại lễ phẩm...). Dơi trong các đồ án
Chúc phúc thường là một con, hai con (song phúc) hoặc năm con (ngũ phúc).đến thế thì có lẽ chẳng còn cầu mong gì nữa!




Phổ biến nhất là các đồ án Chúc phúc và thọ (sống lâu - có phúc mà đoản mệnh thì phúc để làm gì?).
Do đó, câu "Phúc thọ song toàn" biểu thị điều mong cầu quan yếu của mỗi con người.
Trong các đồ án này chúng ta thấy có dơi (phúc), hai đồng tiền (song tiền = song tuyền, song toàn) và trái đào tiên (biểu thị cho trường thọ). Cũng có trường hợp khác: dơi (phúc) và chữ Thọ, gọi là Phúc hàm thọ. Nếu đồ án có năm con dơi thì gọi là Ngũ phúc phụng thọ.
Lại có khi, thọ được biểu thị bởi chim hạc - một loài chim sống lâu như rùa. 
4. Cũng có những đồ án cấu tạo gồm dơi và đồng tiền, nhưng lại biểu thị lời cầu chúc khác:
Phúc tại nhãn tiền.
- Đây là một mong cầu nhấn mạnh đến "tốc độ" của sự việc sẽ diễn ra: điều tốt lành hãy nhanh đến ngay... kẻo phải ngóng cổ trông chờ.
5. Chữ Phúc (hay có biểu trưng về phúc) tích hợp với các biểu trưng cát tường và tài lộc khác tạo thành nhiều đồ án,hình vẽ chúc tụng phong phú.
Phúc tích hợp với "Tụ bửu bồn" (bình chứa các vật quý: vàng, bạc, sừng tê, lá ngải băng, san hô đỏ, ngọc châu...) để chúc phúc và chúc giàu có, phát tài. 
Phúc tích hợp với cá (ngư, có âm là yu, đồng âm với dư) để chúc việc làm ăn, buôn bán có của dư của để.
Đồ hình trái lựu (Lựu khai bách tử: trái lựu nẻ ra nhiều hạt - biểu thị con cái đầy đủ, đông đúc, có nghĩa là "có phúc"), trái phật thủ (biểu thị sự phồn vinh), trái đào (sống lâu), cùng hai em bé thổi sáo là biểu thị câu chúc "Phúc thọ thường lạc".
Lại có đồ hình gồm con dơi (phúc), trái đào (thọ), với hai em bé (đồng tử) cầm khánh (nhạc cụ gõ)... biểu ý câu chúc "Phúc thọ cát khánh".
Hòa hợp là một yêu cầu quan trọng trong cuộc sống gia đình cũng như xã hội.
Do đó, khái niệm "hòa hợp", thường được biểu hiện trong nhiều đồ án cũng như tranh tượng bằng hình ảnh hai cô gái: một cầm hoa sen (Hoa sen biểu âm Hòa) và một cầm cái hộp (biểu âm Hợp)
. Phúc (dơi) tích hợp với biểu tượng hòa hợp biểu thị lời chúc Ngũ phúc hòa hợp.
6. Lời chúc mừng bao quát nhất là chúc "Tam đa" (đa thọ, đa nam, đa phúc). Lời chúc này, theo truyền thuyết là lời chúc của Phong Thủ 
Giả ở đất Hoa chúc tụng... ông vua Nghiêu thần thoại, thường gọi là Hoa phong tam chúc.
Ở đây, trái phật thủ chỉ sự giàu có, đào chỉ sự trường thọ và lựu hàm ý con cháu đông đủ
. Lời chúc Tam đa, về sau bị thay thế bởi lời chúc Phúc Lộc Thọ.
Đến nay thì tranh vẽ, tượng bởi ba ông Phúc - Lộc - Thọ phổ biến hầu như khắp mọi nhà.
Truy cứu về xa xưa, bộ ba Phúc - Lộc - Thọ vốn là ba vì sao chủ quản các việc quan yếu của con người ở thế gian:
Tử Vĩ Đại Để chuyên quản phúc vận của con người, gọi là Phúc tinh; Văn Xương Đế Quân chủ quản việc ban phát cho người ta công danh, lợi lộc gọi là Lộc tinh, và Đan Lăng Chân Nhân (ở Tiên đảo, Nam cực) chuyên quản việc giúp con người sống lâu nên gọi là Thọ tinh.
Như vậy, bộ ba Phúc - Lộc -- Thọ vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thiên tượng thời cổ. 
Tranh vẽ bộ ba này là thứ tranh thờ - có tên gọi là "Tam tinh tại hộ", biểu thị điều cầu mong có được nhiều phúc, nhiều lộc, sống lâu (tam đa trong một nhà), dựa trên nề tảng của tín lý "thiên nhân tương ứng", hiểu giản dị là con người sống thiện lương thì trời ban cho những điều tốt lành. 
Quan niệm ấy biểu hiện ở bức tranh "Bình an ngũ phúc tự thiên lai" (an lành và phúc báo từ trời đến), cũng như trong tập tục cúng lễ cầu Thiên quan tứ phúc vào ngày Thượng nguyên (rằm tháng Giêng) hàng năm. 
Nội hàm của quan niệm "có một chữ Phúc trời ban" này đã chỉ ra cái nền tảng đạo lý của các hoạt động mưu cầu hạnh phúc của chúng ta.

Theo Huỳnh Ngọc Trảng

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

CHUYỆN TẾT

CHUYỆN TẾT NGÀY XUÂN
Khi có chuyện gì phấn khởi, người ta thường nói “vui như Tết” hoặc “Tết nhất”. Điều đó chứng tỏ là Tết rất vui, luôn được mong chờ, luôn là ngày “nhất” trong năm. Ngày Tết, với trẻ em là niềm khao khát và vui mừng, với người lớn là trách nhiệm và bổn phận – và đôi khi có người không mong Tết, vì Tết đối với họ có thể buồn hơn ngày thường.
Đông lạnh qua, Xuân ấm đến, đó là quy luật tự nhiên của đất trời. Mùa Xuân là mùa của sự sống, cây cối nảy lộc, đơm bông, thể hiện tính trẻ trung và đổi mới. Mùa Xuân còn là dịp đoàn tụ, yêu thương, tha thứ, cùng tận hưởng và chia sẻ niềm hạnh phúc. Gặp nhau, ai cũng tay bắt mặt mừng, có gì sai sót trong năm cũ cũng bỏ qua hết, và trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Đó là “tống cựu, nghinh tân”, đặc biệt trong giây phút thiêng liêng nhất: Giao thừa. Ngày xưa, đêm giao thừa còn được gọi là đêm trừ tịch – khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong năm, khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những muộn phiền đã qua.
Trong giây phút giao thừa, các gia đình lập bàn thờ cúng tổ tiên, khói nhang nghi ngút, bánh trái đầy bàn. Người ta thường đặt trên bàn các loại trái cây như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài; theo phát âm tiếng Nam bộ là “cầu dzừa đủ xài”. Như vậy, kể ra người ta cũng không tham lam, còn giữ được “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Người có máu khôi hài thì nói là bày trên bàn 4 thứ: chôm chôm, xoài, cái líp, cái gác baga; nghĩa là “chôm chỉa để xài líp baga” (xài líp baga là xài thoải mái). Dù chỉ đùa vui, nhưng chứng tỏ con người đã… biến chất “thiện”. Người ta còn bói Kiều và làm những nghi lễ trừ ma quỷ, người Công giáo cũng có thói quen đạo đức là rảy nước phép quanh nhà để trừ ma quỷ. Người Việt có tục lệ tốt đẹp:
Xuân về, mồng Một tết Cha
Mồng Hai tết Chú, mồng Ba tết Thầy.
Mồng Một tết Cha – Người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được tôn trọng, đó một truyền thống tốt đẹp đầy tính nhân bản. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người thân có công lao lớn đối với chúng ta, thế nên chúng ta phải dành “ưu tiên số một”. Thật vậy, đó không chỉ là nghĩa vụ của mọi người theo phần đời, vì “chim có tổ, người có tông, sông có nguồn”, mà còn là nghĩa vụ theo Công giáo, vì Thiên Chúa đã dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ” (x. Hc 3,1-16). Nghĩa vụ thì phải làm, nhưng đồng thời có lợi cho chính mình: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3,3-6). Và Thiên Chúa cũng cảnh báo: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3,16).
Mồng Hai tết Chú – Đó là các thân bằng quyến thuộc, là họ hàng Nội Ngoại, là xóm giềng, là bạn bè, là ân nhân… Sống trên đời không ai có thể là một ốc đảo, vì cuộc sống là một xã hội, không trực tiếp liên hệ thì cũng gián tiếp liên hệ bằng nhiều cách. Người này có liên đới với người kia, dù có thể chỉ là một ánh mắt hoặc thái độ, thậm chí có thể chỉ qua ý nghĩ. Người này có trách nhiệm và bổn phận với người kia, dù là người dưng nước lã, dù là người chưa biết mặt quen tên. Hãy tết nhau bằng cách luôn triệt để tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của nhau.
Mồng Ba tết Thầy – Thời phong kiến áp dụng trật tự xã hội: Quân – Sư – Phụ. Ở đây, chúng ta không nói chuyện “thứ tự trước sau” mà chú trọng tầm quan trọng của 3 cấp bậc. Trong đó người thầy được đề cao theo tinh thần “tôn sư trọng đạo”, và người Việt cũng khuyên: “Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Hán Việt dùng từ Sư Phụ, người thầy không chỉ là người dạy mà còn được coi như “phụ mẫu”. Thế nhưng ngày nay người ta không còn coi trọng lòng “tôn sư trọng đạo”, đó là dấu hiệu sa sút đạo đức!
Tết nhau không hẳn là món quà cáp bằng vật chất, có “khả năng” tết nhau một chút lễ vật thì cũng tốt, nhưng đừng câu nệ “quà cáp” mà “biến chất”, quan trọng nhất là cởi mở gặp gỡ nhau với cả tấm lòng, tết nhau bằng những ước muốn tốt đẹp, những lời cầu chúc chân thành, những lời cầu nguyện thành tín. Tiếng Việt thật thú vị khi dùng từ “gặp gỡ”: Gặp nhau thì phải “gỡ bỏ” mọi vướng mắc, không “gỡ” thì không thể nào “gặp” được. Đó là cách sống tích cực theo đạo làm người và theo tôn giáo của mỗi người.
Người Công giáo có “quy ước” riêng của Giáo Hội đối với 3 ngày Tết:
Mồng Một cầu xin Thiên Chúa
Ban cho thế giới bình an
Thể lý cũng như tâm hồn
Kiên vững niềm Tin, Cậy, Mến.
Bình an là điều luôn cần thiết đối với mọi người trong mọi thời và mọi nơi. Muốn sống bình an thì bạn phải tạo hoà bình xã hội, bạn không thể bình an khi xã hội rối loạn hoặc tinh thần chán nản. Bình an trước tiên là sức khoẻ – tinh thần và thể lý. Đúng như tục ngữ nói: “Sức khoẻ là vàng”. Đó là hệ lụy tất yếu vậy!
Mồng Hai thành tâm khấn nguyện
Xin cho mùa màng bội thu
Công ăn việc làm thuận hòa
An tâm không phải thao thức.
Sống không thể chỉ hít thở khí trời và uống nước lã, vì thế con người cần mưu sinh. Muốn mưu sinh thì phải có nghề nghiệp, có công ăn việc làm. Công việc lại có liên quan và tuỳ thuộc thời tiết. Mùa màng bội thu thì con người hạnh phúc phấn khởi, mùa màng thất bát thì con người đói khổ. Nói vậy không có nghĩa là thời tiết chỉ quan trọng đối với nông dân, không có nông dân thì “kẻ sĩ” cũng không sống nổi. Mọi người đều liên đới với nhau về nhiều phương diện, không thể nói “nhất sĩ, nhì nông” hoặc “nhất nông, nhì sĩ”. Giới nào cũng có cái “nhất” và cái “nhì”, không ai “ưu thế” hơn ai.
Mồng Ba xin Chúa chúc phúc
Ban cho cha mẹ, ông bà
Luôn sống thánh thiện, an hoà
Vui cùng đàn con, lũ cháu.
Cầu nguyện cho người còn sống được an khang hạnh phúc là chuyện dĩ nhiên, chúng ta còn có bổn phận cầu nguyện cho những người đã “ra đi” trước chúng ta. Xuân về Tết đến, mọi người sum họp hữu hình, còn tổ tiên không thể sum họp hữu hình với đàn con, lũ cháu, nhưng họ vẫn khả dĩ sum họp vô hình với chúng ta.
Mùa Xuân là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, cho phép người ta có thể tiêu xài “rộng tay” một chút. Tuy nhiên, đôi khi có thể người ta muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình mà “chơi nổi” kiểu công tử Bạc Liêu, chưa tới mức “lấy tiền nấu trứng” nhưng cũng có vẻ muốn tỏ ra “đại gia”. Năm ngoái, có những người không ngần ngại chứng tỏ “bản lĩnh” đó: Có người mua cặp dưa hấu với giá 900.000 VNĐ, có người mua bộ phản gỗ (bộ ngựa) 100.000 USD, có người “khoe” là bỏ ra 20 triệu VNĐ để sắm tết,… Và còn nhiều “cách chơi” khác nữa.
Trong khi có những người “vung tay quá trán” như vậy thì vẫn có những con người chưa hưởng trọn vẹn mấy ngày Tết hoặc không hề có mùa Xuân. Một cậu bé 10 tuổi ở Đồng Tháp, ở với bà ngoại ngoài 80 tuổi, em chỉ mong Tết đến để được ăn món “khổ qua xào với trứng”. Được hỏi sao em ước mơ như vậy, em cười hồn nhiên và cho biết: “Vì chỉ có ngày Tết ngoại mới để dành đủ tiền để làm món đó”. Câu nói của em thật hồn nhiên nhưng sao nghe lòng nhói đau quá! Một ước mơ quá bình dị như vậy mà sao khó với em bé này đến vậy? Quả thật, cuộc đời còn biết bao con người khốn khổ, họ không mong Tết, mà có mơ cũng không thấy!
Xã hội khó có thể trở thành thế giới đại đồng, nhưng cũng có thể tương đối, nếu người giàu biết bớt phần lãng phí để chia sẻ với người nghèo. Thực ra, đó là trách nhiệm và bổn phận của đạo làm người.
Chuyện giàu – nghèo là lẽ tất nhiên ở đời, nhưng vẫn là một ẩn số vô cực. Mùa Xuân là mùa của ngàn hoa tươi sắc, lòng người cảm thấy rạo rực khó tả, có những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười và cười “hết cỡ thợ mộc”, nhưng cũng có những khuôn mặt còn ủ rũ, đôi môi khô héo, lòng luôn trĩu nặng…
Chúa Giêsu luôn hết lòng quan tâm và chăm sóc người nghèo, Ngài đã “chắc nịch” xác định: “Mỗi lần anh chị em làm điều gì cho một trong những người bé nhỏ nhất của Tôi, đó là anh chị em đã làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25,40).
Ngài muốn chúng ta NÓI và LÀM, không nói suông, không hứa lèo, không chỉ mở lòng mà còn phải mở đôi tay và mở hầu bao. Mỗi ngày chúng ta nhiều lần cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (x. Lc 11,1-4), chúng ta thấy Ngài nói thực tế, không hề bóng gió: “Không lẽ người ta xin cá thì lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc người ta xin trứng lại cho họ bò cạp?” (x. Lc 11,9-12).
Xuân về, Tết đến, đó là mùa yêu thương, mà yêu thương thì phải chia sẻ, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần, vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17.26). Hãy chân thành tặng nhau một mùa Xuân tươi đẹp nhất, rộn rã nhất và trọn vẹn nhất!
Mùa Xuân thắm sắc mai vàng
Bình minh toả ánh nắng vàng lung linh
Giáo đường vang vọng lời kinh
Hồi chuông đổ nhịp ân tình ngàn năm
Tin yêu nở giữa mùa Xuân
Hồng ân Cứu độ tuôn tràn bao la…
Cầu mong cho xã hội luôn biết tôn trọng công lý để xã hội có nền hòa bình đích thực. Cầu mong cho mọi người biết yêu thương nhau bằng tình đồng loại trọn vẹn để ai cũng được tôn trọng nhân quyền đúng nghĩa và có thể tận hưởng mùa Xuân viên mãn nhất. Nhờ vậy mà “Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”!
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa-Xuân-Tuyệt-Đối và là Mùa-Xuân-Vĩnh-Hằng của chúng con, xin giúp chúng con sống trọn ba đức đối thần (tin, cậy, mến) và các nhân đức đối nhân để chúng con thể hiện Lòng Chúa Thương Xót trong từng hơi thở. Xin Ngài thương xót những mảnh đời cơ cực, để họ có chút niềm vui ngày Xuân. Xin Ngài cũng thương chúc phúc và ban cho chúng con được ơn Khôn ngoan, vì “tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời” (Hc 1,1). Chúng con cầu xin nhân Danh Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
Trầm Thiên Thu

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

TẾT NGUYÊN ĐÁN

TẾT NGUYÊN ĐÁN
Còn vài ngày nữa đến tết rồi. . . trong không khí chộn rộn chờ đón năm mới, chúng ta cùng ngẫm nghĩ về Tết Việt của chúng ta như thế nào? và còn được và mất những gì?
Chử tết Nguyên Đán mang các nghĩa: Tết do chữ Tiết, có nghĩa là ngày lễ; Nguyên có nghĩa là bắt đầu; Đán có nghĩa là buổi sớm mai.
Vậy Tết Nguyên Đán là ngày mở đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng và may mắn mới.
Đúng ra phải dùng cả ba chữ Tết Nguyên Đán, nhưng người Việt ta có tính giản dị nên chỉ gọi Tết hay Ngày Tết. Chữ Tết được dùng trong nhiều thành ngữ như: Ngày Tư Ngày Tết, Năm Hết Tết Đến, Sống Tết Chết Giỗ, Tết Nhất, Chợ Tết, Ăn Tết, Chúc Tết, Thiệp Tết, Quà Tết, Lương Tết, Tết Thầy, Tết Xếp... Ngày Tết mang rất nhiều phong tục cổ truyền và các phong tục này đã thấm nhuần trong lòng người Việt Nam từ xưa đến nay.

Sửa Soạn Tết
Ngay từ đầu tháng Chạp, ở thôn quê cũng như thị thành, thiên hạ đã bắt đầu sửa soạn Tết. Nhà nhà lo mua heo, bò, gà, vịt để sẵn, rồi còn mua nếp, đậu hầu chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét. Ngoài ra còn muối dưa, nén hành, may sắm quần áo mới, sơn phết trang hòang nhà cửa, lau chùi bàn thờ, mua tranh, pháo, câu đối, cùng các loại bánh mứt, trái cây, trà, rượu... Còn những người thích chơi cảnh, chơi hoa như các loại hoa hải đường, hoa mai, bích đào, thủy tiên... phải lo vun trồng, cắt xén để hoa kịp nở vào đầu Xuân. Đa số người Việt Nam chỉ lo ăn Tết có 3 ngày, tuy nhiên nhiều gia đình, nhất là những gia đình khá giả chuẩn bị Tết trong nhiều tháng trước.

Chợ Tết
Khoảng trung tuần tháng Chạp, phố xá, chợ búa bắt đầu thêm nhộn nhịp, nhất là các buổi chợ cuối năm càng tưng bừng tấp nập, đông đúc kẻ bán người mua. “Đông như chợ Tết”. Vào những ngày chợ Tết hàng hóa tràn ngập, nhiều gấp bội ngày thường, nào gian hàng vải, gian hàng bánh mứt, hàng hoa, hàng trái cây, dưa hấu bày bán la liệt. Thấy dưa hấu là thấy Tết. Dưa hấu lềnh khênh, chất cao thành đống. Khách mua cố lựa những trái dưa khi cắt ra ruột đỏ tươi vì người ta cho rằng mua dưa đầu năm lựa đuợc những trái dưa ruột đỏ thắm thi suốt năm gặp tòan những điều may mắn. Còn những người bán thì trưng bày những trái dưa mẫu ruột đỏ au để chiêu dụ khách hàng. Đặc biệt là vào những ngày cận Tết, ta thấy các ông đồ Nho râu tóc bạc phơ gò mình trên những tờ giấy hoa ở vỉa hè hay góc chợ, múa bút viết những câu đối với những nét chữ “Rồng bay, Phượng múa” để bán cho những khách hàng mua về dán ở nhà hay ở bàn thờ.

Đưa Ông Táo Về Trời
Một trong những cổ tục của ngày Tết là đưa ông Táo về Trời. Ông Táo là cái bếp nấu cơm trong mọi gia đình. Người ta tiễn ông Táo về Trời bằng bánh mứt, thèo lèo, trà và pháo. Theo truyền thuyết, cứ mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo cỡi cá chép bay về Trời để “báo cáo” với Ngọc Hoàng mọi chuyện xảy ra dưới trần gian trong suốt năm qua.

Cây Nêu
Nói đến Tết, theo truyền thống, người Việt nghĩ ngay đến bốn thứ điển hình là Cây Nêu, Hoa Mai, Bánh Chưng với Tràng Pháo:
Ở thôn quê, thiên hạ bắt đầu dựng cây nêu vào ngày 27 tháng Chạp, trễ lắm là vào buổi chiều ngày 30 Têt, nếu tháng thiếu là ngày 29 và hạ nêu vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Nêu là cây tre dài chặt tới gốc còn đủ ngọn lá, được dựng ở trước sân với một cỗ mũ nhỏ và một tảng vàng buộc ngang thân, có nơi treo trên ngọn mấy chiếc khánh và bùa chú mà người ta tin tưởng rằng có thể ngăn cản, xua đuổi tà ma xâm nhập vào nhà để quấy phá gia chủ trong những ngày Tết. Riêng ở thành thị vì nhà cửa phố phường san sát không tiện trồng cây nêu nên ta thường buộc cành đa, lá dứa ngoài ngõ. Có nơi thiên hạ rắc vôi ngoài sân, ngoài cổng với hình bàn cờ, cây cung cùng tên bắn ra đằng trước và hai bên, ngụ ý trấn giữ nhà cửa ngăn chận tà ma.

Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè.

Vật điển hình thứ hai của Tết là hoa mai. Mai vàng là màu sắc đặc thù của ngày Tết, thấy mai là thấy Tết và mai vàng tạo niềm rạo rực, rộn ràng trong lòng mọi người. Cho nên, dù giàu, dù nghèo thiên hạ nhà nào cũng tạo cho được một cành mai. Giàu có, khá giả không những tạo một nhành mai mà còn rước cả một cây mai to lớn đầy hoa về để trang trí nhà cửa trong những ngày Xuân. Còn nghèo khó không mua nổi một nhánh mai tươi thì cũng phải sắm cho được một cành mai giả để cũng có màu sắc Tết cho gia đình.
Tết không mai không ai biết Tết,
Mai không Tết chẳng thiết khoe vàng.

Vật điển hình thứ ba của Tết là bánh chưng. Tùy theo tục lệ từng miền, người ta có bánh chưng hay bánh tét, đó là hương vị không thể thiếu được của mọi gia đình trong những ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét thường được ăn với thịt mỡ, dưa hành hay củ kiệu. Trong lúc nhìn mai vàng nở trên cành, nghe những tràng pháo Tết rộn rã mà ăn một lát bánh chưng hay một khoanh bánh tét với một cục thịt mỡ và một miếng dưa hành là nuốt cả một mùa Xuân dân tộc vào tâm hồn ta vậy.
Vật điển hình thứ tư của ngày Tết là pháo. Pháo là âm thanh, âm điệu rạo rực nhất của ngày Xuân. Nghe pháo nổ là nghe như Tết đang reo vang trong lòng mọi người. Pháo bắt đầu nổ lác đác từ chiều 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về Trời. Rồi đến Giao Thừa pháo càng rộ lên cùng một lúc, xen lẫn trong những tràng pháo chuột là những tiếng pháo đại nổ chát chúa, vang rền như những quả đạn pháo kích. Tết đến, từ các cơ sở thương mại cho đến tư gia, nhà nào cũng đốt một vài phong pháo để đón Chúa Xuân. Người ta đốt pháo từ lễ Giao Thừa và vào sáng mồng một, mồng hai, mồng ba. Ngoài ra khi người bạn quý đến “xông đất” chủ nhà cũng mang ra một phong pháo đốt để “nghinh tân” ngược lai, người bạn cũng đốt một phong pháo để “Chúc Xuân” gia chủ. Còn các cơ sở thương mại, những nhà giàu có vào ngày Tết đốt pháo thường có múa lân vì thiên hạ tin tưởng rằng lân đến nhà đầu năm sẽ mang lại thịnh vượng.

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Mâm Ngũ Quả
Mâm ngũ quả thường gồm thơm, đu đủ, dừa, xoài, trái sung. Phải thừa nhận rằng đa số nguời Việt Nam, nhất là giới bình dân mang nhiều sự mê tín, dị đoan rất dễ thương. Vì thế mâm ngũ quả chưng bàn thờ trong những ngày Tết người ta thường chọn những loại trái cây có tên tốt, mang ý nghĩa như thơm, đu đủ, dừa, xoài, sung... vì theo họ, những loại hoa quả nầy tượng trưng cho một năm mới đầy thơm tho, tiền bạc trong nhà đầy đủ và cuộc sống sung túc.

Tiệc Tất Niên
Ở thành thi, theo thông lệ, cứ đến cuối năm, thiên hạ thường tổ chức những bữa tiệc tất niên tại các công, tư sở, xí nghiệp, trường học hầu các công tư chức, nhân viên, hoc sinh, sinh viên, thầy cô có dịp họp mặt vui vẻ, chuyện trò thân mật, chúc Tết lẫn nhau trước khi chia tay để về nhà hoặc về quê ăn Tết với gia đình.

Đưa Rước Ông Bà
Vào ngày Tết người Việt Nam ta có tục đưa rước ông bà. Trưa hôm 30 Tết người ta làm lễ cúng tất niên đồng thời đón rước ông bà hoặc người thân quá cố để vong linh họ về sum họp với gia đình trong những ngày Xuân. Qua đến ngày mồng bốn, ta tiễn đưa vong linh ông bà về phương cũ.

Giao Thừa Và Lễ Trừ Tịch
Giao Thừa có nghĩa là cũ giao lại cho mới tiếp nhận. Hết giờ Hợi sang giờ Tý vào lúc nửa đêm 30 Tết là Giao Thừa, thiên hạ làm lễ Trừ Tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới còn được gọi là lễ “Tống Cựu, Nghinh Tân”. Theo cổ tục, người ta tin rằng từ năm Tý đến năm Hợi là 12 năm thì có 12 vị thần Hành Khiển luân phiên nhau, mỗi năm một vị lo trông coi việc nhân gian vì thế mà ta có lễ Trừ Tịch để tiễn đưa và đón các vị thần Hành Khiển của năm cũ và năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản Cảnh Thành Hoàng và Thổ Công Thần Kỳ mà ta có câu tục ngữ “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.
Lễ Trừ Tịch ở các làng xã còn giữ cổ tục, người ta thiết lập hương án ở trong trung thiên hoặc nơi sân đình, cũng có khi ở ngã ba làng xã với vàng mã, hương, đèn, trầu, rượu, hoa quả, xôi gà tế lễ rất trọng thể. Trong khi tế lễ, họ đánh trống, khua chiêng, đốt pháo vang dậy trong giờ Giao Thừa. Còn các tư gia cũng cúng lễ Giao Thừa trong sân hay trước cửa nhà với mâm lễ vật đặt trên bàn rồi vái tứ phương. Khi tới Giao Thừa chuông, trống ở các Đình, Chùa, Giáo Đường khắp nơi cũng được đánh lên vang rền kèm theo tiếng pháo đón Giao Thừa nổ giòn giã. Tiếng chuông, tiếng trống, tiếng pháo của giờ Giao Thừa là âm điệu truyền thống của ngày Tết.
Những kẻ đã từng nghe những âm điệu nầy trong quá khứ, nay vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải xa lìa đất mẹ thân yêu, vào đêm Giao Thừa họ thường gục đầu im lặng để chờ nghe lại âm điệu ngày xưa, nhưng giờ Giao Thừa cứ lặng lẽ trôi qua và những âm điệu âu yếm kia vẫn biền biệt, khiến họ hụt hẫng, lòng họ dâng trào niềm nuối tiếc và uất hận, rồi lòng họ cảm thấy nghẹn ngào và đôi dòng lệ tự nhiên tuôn trào thấm ướt bờ mi. Vì ai mà họ đã đánh mất kỷ niệm thân yêu nầy? Vì ai mà họ phải khóc trong những đêm Giao Thừa xa cố quận?
Về Giao Thừa, nữ sĩ Hô Xuân Hương có hai câu đối như sau:

Tối ba mươi khép cánh càn khôn,
Kẻo sợ ma vương đem quỷ tới.
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa,
Để cho thiếu nữ rước Xuân vào.
Tiền Của Vào Như Nước

Ở thành thị, phố phường ta có tục lệ sau giờ Giao Thừa, những người gánh nước mướn tự động gánh nước đến những nhà trong hàng xóm một vài đôi nước ngụ ý rằng năm mới gia chủ sẽ làm ăn phát đạt “tiền của vào như nước” và gia chủ vui vẻ thưởng tiền rất hậu. Cũng có những người buôn bán, vào những ngày cận Tết đã ân cần dặn trước những người gánh nước thuê đừng quên gánh nước đổ vào nhà cho mình.
Đi Lễ Chùa, Giáo Đường Và Hái Lộc
Sau khi cúng Giao Thừa xong, thiên hạ làm lễ Thổ Công rồi sửa soạn đi lễ tại các Đền, Miếu, Đình, Chùa, Giáo Đường để cầu phúc, cầu may cho năm mới. Ngoài mục đich đi lễ Phật, lễ Chúa, lễ các vị Thần Linh họ còn có dụng ý hái lộc và xin xăm. Hái lộc là một tục lệ nên thơ của người Việt Nam. Người ta tin rằng lộc là lộc của Trời vì thế hái lộc đầu năm sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng cho suốt một năm. Vì lẽ đó mà vào ngày đầu năm thiên hạ già, trẻ, trai, gái chen chúc nhau lên Chùa để hái lộc. Còn xim xăm, đa số người Việt rất tin vào số mệnh nên song song với việc lên Chùa lễ Phật, hái lộc họ còn lên Chùa để xin xăm hầu biết vận mệnh của mình và gia đình mình trong năm mới. Hình thức xin xăm là sau khi van vái Trời, Phật với tất cả lòng thành rồi người ta rút một thẻ xăm trong ống (hoăc lắc cho thẻ xăm rơi ra), đọan mang đến cho người đoán xăm, đôi khi là một thầy bói, đôi khi là một nhà sư để giải đoán dùm những ngụ ý trong quẻ xăm. Hầu hết những người lên Chùa xin xăm vào dịp đầu năm đều ra về với vẻ mặt “vui như ngày Tết” vì những lá xăm của họ đều hứa hẹn những điều tốt đep.

Xông Nhà, Xông Đất
Theo cổ tục, vào đầu năm người đến nhà ai trước nhất là người “xông nhà, xông đất” cho gia chủ và thiên hạ tin rằng đầu năm mới được người vui vẻ, dễ tính, tốt nết hoặc những người có tên như: Thương, Mến, Hùng, Dũng, Đẹp, Giàu, Sang, Phú, Quý, Thịnh, Vượng, Tài, Báu, Lợi, Phước, Lộc, Thọ, Có, Tiền, Bạc, Vàng, Triệu, Tỷ, Thơm... đến nhà trước nhất thì gia chủ sẽ được mọi chuyện tốt lành, đẹp đẽ, thịnh vượng, phú quý, may mắn quanh năm. Còn ngược lại, gặp người khẳn tính, cộc cằn, độc ác, khờ dại, ngu ngơ, đần độn hoặc những người có tên như: Nghèo, Khổ, Xấu, Ghét, Ngu, Hư, Thúi, Chết, Xụi, Thua, Lỗ, Nợ, Nần, Túng, Thiếu, Đau, Ốm, Bệnh, Ghẻ, Chốc, Bại, Xụi, Bần, Hàn, Đói, Rách, Gian, Ác... thì suốt năm gia chủ làm ăn lủng củng, thất bại hay gặp những chuyện vẩn vơ, bực mình.... Chinh vì vậy mà các cụ lớn tuổi hoặc những người còn mang nặng cổ tục rất kén chọn người đến xông nhà, xông đất, thường họ mượn người tốt nết, tinh tình dễ thương, có tên đẹp đến xông đất dùm. Còn trong gia đình, sau khi đi lễ Chùa, Nhà Thờ về là xông đất nhà mình và gia đình thường để cho người tốt nết nhất vào nhà trước.
Theo tục lệ, người đến xông đất đốt một phong pháo và chúc gia chủ mọi điều tốt lành, tùy theo trường hợp, lời chúc có thể:
 Nếu gia chủ có cha mẹ già thì chúc “Tăng phúc, tăng thọ”-
 Nếu gia chủ là nhà nông thì chúc “Phong đăng hòa cốc”-
 Nếu gia chủ là một nhà công kỹ nghệ thì chúc “Tốt tài sai lộc”-
 Nếu gia chủ là một thương gia thì chúc “Buôn may, bán đắt, nhất- bản vạn lợi”
 Nếu gia chủ là một quân nhân hay công chức thì chúc “Mau thăng- quan, tiến chức”
Trong trường hợp chẳng may gặp người xấu nết, tính tình cộc cằn hay xui hơn nữa bị một
lão ăn mày đến viếng đầu năm thì gia chủ phải lấy gạo, muối ra vãi tứ phía và cúng vái gọi là
“đốt phong long” rồi chờ một người khác khá hơn đến “tái xông”

Mừng Tuổi Và Chúc Xuân
Một trong những tục lệ đẹp đẽ nhất của người Việt Nam là mừng tuổi ông bà, cha mẹ vào dịp đầu Xuân. Đây là một hình thức hiếu đạo của con cháu đối với công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành đã nuôi dưỡng nên minh mà chỉ Việt Nam mới hãnh diện có cổ tục nầy trên thế giới ngày nay.
Mừng tuổi là mừng ông bà, cha mẹ thọ thêm một tuổi. Sáng mồng một Tết, sau khi ông bà, cha mẹ khăn áo chỉnh tề, con cháu cũng xúng xính trong những bộ quần áo mới, trải chiếu xuống đất lạy 2 lạy đồng thời chúc ông bà, cha mẹ những lời tốt đẹp, hiếu thảo. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu ngoan ngoãn, thông minh, chóng lớn, học hành mau đỗ đạt rồi cho con cháu những tờ giấy bạc mới đựng trong những phong bì màu đỏ gọi là tiền “lì xì”, có nghĩa là những đồng tiền may mắn.
Ngoài tục lệ mừng tuổi, vào ngày Tết thiên hạ còn có lệ chúc Tết lẫn nhau. Nếu ở xa người ta gởi thiệp, còn nếu ở gần bạn bè, họ hàng thăm viếng và chúc Tết với nhau. Những lời chúc thông dụng là “Phước, Lộc, Thọ”, “An Khang, Thịnh Vượng”, “Vạn Sự Như Ý”, “Sống Lâu Trăm Tuổi”, “Tân Xuân Vạn Hạnh”, “Con Đàn, Cháu Lũ”, “Tiền Vào Như Nước”, “Tiền Rừng Bạc Biển”, “Đa Tài, Đa Lộc”, “Mau Thăng Quan, Tiến Chức”...
Ngoài việc họ hàng, bạn bè thăm viếng chúc Tết lẫn nhau, các nhân viên thuộc quyền ở các Ty, Sở, Đơn Vị vào ngày Tết cũng có lệ đến chúc Tết các xếp của mình. Kèm theo những lời chúc Tết đẹp nhất, họ còn có “quà biếu” cho các xếp họ nữa. Xin hãy nghe bài “Chúc Tết” của nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau,
Chúc nhau: Trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen nầy ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu,
Trăm, nghìn, vạn, mớ để vào đâu.
Phen nầy ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang,
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen nầy ông quyết đi buôn lộng,
Vừa bán, vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con,
Sinh năm, đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Kiêng Cữ
Đa số người Việt Nam ta tin rằng việc gì xảy ra đầu năm thì sẽ liên tục xảy ra suốt năm vì thế ta có rất nhiều tục kiêng cữ trong những ngày Tết:

Giông
Giông có nghĩa là xui xẻo, cho nên vào những ngày cuối năm có mượn đồ vật hoặc nợ nần của ai thì phải lo trả vì nếu để sang năm mới người ta đến đòi thì bị “giông”. Vì thế vào những ngày cuối năm, các chủ nợ thường đến đòi tiền các con nợ vì để qua năm mới đến đòi sợ “giông” người vay nợ. Ngược lại, các con nợ Tết đến cũng lo chạy đôn, chạy đáo để thanh toán tiền nợ của mình vì sợ để leo qua năm mới sẽ bị xui và sẽ bị mang nợ suốt cả năm nên ta có câu:

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết,
Giàu khó ba mươi Tết mới hay.

Cữ Quét Nhà
Vào ngày Tết người ta cữ quét nhà trong suốt ngày mồng một, mồng hai và mồng ba vì sợ rằng quét nhà sẽ quét hết tiền bạc, của cải và các điều may mắn ra ngoài. Nều nhà có rác, ta chỉ quét sơ và gom vào một xó để chờ hết Tết rồi mới đem đi đổ.

Cữ Quần Áo
Trong những ngày Tết, người Việt ta cữ ăn mặc quần áo trắng hoặc đội khăn trắng vì sợ trong năm sẽ có tang.

Cữ Ăn Nói
Vào những ngày đầu năm, người trong gia đình phải hết sức thận trọng về “lời ăn tiếng nói”, chỉ nên dùng những lời lẽ đẹp và tránh những lời nói không hay như khỉ, chết, đau, ốm hay những lời nói tục tằn, chửi thề... để suốt năm không gặp những chuyện xui xẻo.

Cữ Đánh Con
Vào ngày Tết cha mẹ phải cữ đánh con cho dù rằng vào những ngày nầy con cái “phá như quỷ” cha mẹ cũng đành dằn lòng vì nếu đánh con trong những ngày Tết thì con sẽ bị “huông”, nghĩa là suốt năm con sẽ bị đòn hoài.
Ngoài các điều trên, thiên hạ còn kiêng cữ nhiều thứ khác trong ngày Tết như kiêng cãi nhau, kiêng đánh lộn, kiêng gây tiếng động, kiêng làm vỡ chén bát, ly tách, kiêng tiếng khóc dù là tiếng khóc của trẻ con đòi bú sữa. Ngoài việc kiêng cữ những điều “xấu”, người ta còn phải làm những điều “tốt”, đó là tục lệ đi mua muối đầu năm. Muối tượng trưng cho sự đâm đà, mặn mòi. Nhưng ngược lại ta cữ đi mua vôi vì vôi tượng trưng cho sự bạc bẽo, vong ân, bội nghĩa như ta thường nghe câu “ăn ở bạc như vôi” vì thế dân gian có câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.

Bói Toán
Vào ngày đầu năm người Việt ta thích đi xem bói toán để biết vận mệnh của mình trong năm mới. Bói toán có nhiều cách, như bói Kiều, bói sách, bói tuồng, nhờ thầy bói xem bói dùm... Bói Kiều là lấy cuốn Kiều ra để trên bàn, sau khi thắp hương đèn và khấn vái Nguyễn Du, Thúy Kiều, Kim Trọng rồi người ta lật bất cứ trang nào của Kiều ra xem, những câu thơ sau đây được xem là tốt:

Dưới dòng suối chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.

Đầu năm mà gặp nước, gặp cầu, gặp vàng thì không có gì may mắn, hạnh phước cho bằng. Nước tượng trưng cho tiền bạc nên ta có câu thành ngữ “tiền vào như nước”, còn cây cầu tượng trưng cho sự thông giao, sự liên lạc, sự đoàn tụ và vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Ngược lại những câu thơ sau đây được xem là điềm xấu:
Hàn huyên chưa kịp giãi giề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi.
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình.
Hoặc:
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.

Đầu năm bói Kiều mà gặp cảnh gia đình tan nát, phân ly hay gặp cảnh “Sầu đong càng lắc càng đây” như trên thì người ta tin rằng đó là điềm xui xẻo.
Bói sách cũng tương tự như bói Kiều, còn bói tuồng là ngày Tết ta chọn tuồng hát để xem, nếu xem nhằm tuồng kết thúc cốt chuyện bằng sự sum họp, thắng lợi, hạnh phúc, giàu có là điềm may. Còn nếu tuồng hát kết thúc bằng cảnh gia đình tan nát, chia ly, chết chóc là điềm không tốt. Ngoài việc bói Kiều, bói sách, bói tuồng, thiên hạ còn tìm đến các thầy bói để nhờ xem dùm vận mệnh, tình duyên, công ăn, việc làm của mình trong năm mới.

Khai Bút
Vào dịp đầu Xuân, người Việt Nam ta có tục lệ tao nhã khác đó là tục lệ Khai But đầu năm. Khai Bút là năm mới cầm bút viết lần đâu tiên. Những người thường hay viết lách như các cụ đồ, các nhà khoa giáp, các văn nhân thi sĩ, các nhà báo vào dịp đầu Xuân chọn ngày giờ tốt lấy giấy mực ra làm thơ, viết văn, ngâm vịnh và thưởng Xuân.

Khai Quân
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, các đơn vị Quân Đội có truyền thống tổ chức Lễ Khai Quân và Lễ Thượng Kỳ Đầu Năm với mục đích phô trương sức mạnh của Quân Đội cũng như nâng cao ý chí và tinh thần của binh sĩ hầu đạt được nhiều thắng lợi cho đơn vị trong năm mới.


Kính Chúc Quý Vị  và Các Bạn :Một Năm Mới An Khang – Thinh Vượng
Lê Thương
Richmond - Virginia 

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

TỬ VI

 MƯỜI HAI CON GIÁP
Có rất nhiều giả thuyết và dẫn giải về việc vì sao tử vi Đông Phương chọn con chuột (Tí) đứng đầu cho 12 con giáp (tuổi). Câu chuyện dưới đây, tuy “huyền hoặc,”  “biếm nhã” mà dường như lại có sức thuyết phục mạnh  hơn cả đối với người “bình dân” Việt Nam . 
Ngày xửa ngày xưa, sau nhiều vòng tuyển chọn gắt gao, Trời đã tìm được 12 con vật sẽ đại diện 12 địa chi. Tuy nhiên, Trời còn băn khoăn chưa biết xếp ai đầu bảng. Thế nên, một cuộc họp đã được triệu tập để tìm ra loài xứng đáng nhất.
Anh Trâu to lớn hăng hái phát pháo đầu tiên: “Loài Trâu chúng tôi có công lao động giúp người no ấm. Con người bao giờ cũng coi trọng trâu, “con trâu là đầu cơ nghiệp,” “con trâu đi trước, cái cày theo sau.” Việc lớn phải làm trong đời là “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà.” Trâu vừa là “đầu,” vừa là “trước,” lại còn hơn cả… vợ nữa nhé. Tôi đứng đầu là phải rồi.
Bác Hổ nghe nói thế cười khì bảo: Anh trâu ơi, để anh đứng đầu rồi người ta suốt ngày làm quần quật như… trâu à? Anh quan trọng với người thật, nhưng họ chỉ xem anh như cái cày cái cuốc thôi. Còn tôi đây đường đường xưng hiệu “chúa sơn lâm,” ai nhắc đến cũng phải kính nể gọi một tiếng “ông ba mươi.” “Chúa” tất phải đứng đầu rồi, lãnh đạo phải có uy như tôi đây mới được.
 Mèo liền lên tiếng: Bác Hổ nói có lý đấy, nhưng thời nay làm sếp mà không có… ngoại hình cũng không được đâu. Hình dáng bác khiếp thế kia, làm sao đi… giao dịch chứ? Phải như em đây, mình nhỏ, eo thon, dễ luồn dễ lách, lại giỏi lấy lòng, ăn vụng còn biết… chùi mép, có lỡ “ị” ra cũng biết cách giấu diếm… thế mới làm lãnh đạo được chứ? Bác không biết phụ nữ rất yêu loại mèo bọn em à? Mà phụ nữ là ưu tiên một đấy nhé.
Cậu Chó nhảy quay vào: À không, không thể được, người đứng đầu mà lại lươn lẹo như cô em à? Phải là người trung thành, đáng tin cậy như anh đây. Người ta bảo chó là người bạn tốt nhất của con người, ai mà cầm tinh tuổi anh đều dễ… thương cả đấy.
Nghe thấy thế, bác Rồng vừa e hèm vừa vuốt râu; Cậu em chó có thể làm bạn với người, nhưng ta cần… sếp, chứ có cần bạn đâu? Như ta đây, linh thiêng, cao quý mạnh mẽ nhất, luôn ở trên trời, sai gió gọi mưa… thế mới xứng là người đứng đầu chứ!
 Rắn liền xì một tiếng rõ to, vừa uốn éo mình xà, vừa phát biểu: Bác Rồng ơi, bác nhìn quanh xem, có ai là con vật tưởng tượng như bác không, bác mà đứng đầu, thiên hạ lại chẳng bao giờ biết mặt mũi bác là ai, nhưng như mấy ông quan… liêu ấy à? Cử bác làm sếp, em chỉ e việc gì rồi cũng ảo như quĩ đầu tư thì chúng em… chết. Chi bằng cứ chọn em đây, trông cũng giống bác, nhưng được cái sờ tận tay, day tận mặt được. Bác cứ hỏi quý ông xem có ủng hộ rượu tam xà, ngũ xà không nào?
Anh Ngựa gõ móng ra chiều không thuận: Hình dáng cô rắn mà làm sếp khó coi lắm, làm… Thư ký thì được. Cô cứ uốn éo thế kia, lại mang nọc độc, ai mà dám ngoại giao với cô? Phải chọn tôi, nhanh nhẹn, dáng đẹp này, biết đoàn kết này: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đấy, làm kinh tế giỏi này. (Không tin các bác cứ đến trường đua… ngựa mà xem nhé).
Bác  be he lên một tràng: Chọn anh để thói … ngựa nó xuất hiện ngày càng nhiều à? Lý do chọn tôi không thể đơn giản hơn các bác ạ. Thử hỏi không bắt chước loài… dê chúng tôi, có duy trì nòi giống con người không? Khối ông quan to vẫn học theo sư phụ này đấy nhá.
Cậu Khỉ liền góp tiếng: Này, xét ra, tôi mới chính là tổ tiên loài người, trông… người hơn quý vị nhiều đấy. Lại nhớ xưa kia Tề Thiên Địa Thánh oai hùng đại náo thiên cung, danh vang khắp chốn. Tôi đứng đầu mới hợp lẽ.
Anh  vỗ cánh phành phạch: Cậu cứ hay làm trò khỉ, sao đủ nghiêm túc đứng đầu? Phải như tôi đây, gồm đủ Văn – Võ –Nghĩa –Tín –Dũng, lại mỗi sáng đều dậy sớm gọi mặt trời. Có tôi đứng đầu, đời mới tươi sáng chứ.
Chú Heo đứng mãi cuối hàng, bây giờ mới lên tiếng: Các bác ạ, em chẳng có công trạng to lớn gì, nhưng giúp người no ấm cũng chả kém anh Trâu là mấy, chỉ cần bán... thân em cũng đủ. Con người cũng tôn kính em chả kém bác Hổ, chẳng thế mà người ta luôn đặt đầu em lên bàn thờ những dịp lễ trọng. Còn trò của bác Dê bọn em cũng làm rất tốt. Em chỉ biết, nhìn em là thấy sung túc, no đủ, với lại an nhàn rồi. Con người ai chẳng thích thế hả các bác, dân dĩ thực vi tiên mà. Chọn em đứng đầu mới phải.
Các con vật đều đã phát biểu, Trời nhìn đi nhìn lại mới thấy chú Chuột từ đầu cứ tủm tỉm cười mà chẳng nói gì. Trời liền phán hỏi: “Tại sao Chuột không nói gì? Hay ngươi không muốn đứng đầu?
Chuột liền cung kính đáp: “Bẩm Trời, con nghe các bác này nói mà thấy họ đều lầm cả. Ví như bác Hổ, có sức mạnh đấy nhưng chỉ dọa được vài người là cùng. Anh Trâu, anh Ngựa, anh Chó, cô Mèo… đều chỉ quanh quẩn xó nhà, tác động không thể to lớn. Anh Gà, bác Rồng chỉ có giá trị tinh thần, khó… thuyết phục quần chúng lắm. Còn họ nhà Chuột chúng con, tuy nhỏ bé nhưng cắn phá hết mùa màng làm hư hao kho to đụn lớn đều là chuyện nhỏ. Nhiều ông quan hạ giới đục khoét kho tàng rỗng ruột rồi đều đổ cho Chuột làm, xem thế đủ biết sức mạnh loài Chuột. Lại có câu “ cháy nhà mới ra mặt Chuột,” chui sâu, leo cao, ẩn mình kỹ lưỡng… như thế, nên loài chuột chúng con hay được ví với những ông quan to, hay nắm giữ chức cao quyền lớn, mà sức ăn thật vô cùng, chẳng từ thứ gì. Những kẻ ấy thật ra là những con chuột lớn đi hai chân mà thôi. Vì thế mà con thiết nghĩ chỉ có chúng con mới xứng đáng, thưa Trời!
Nghe lập luận đanh thép này của Chuột, chẳng loài vật nào nói được gì nữa. Thế là từ đó, Trời chọn Chuột đứng đầu 12 con giáp, khiến cho mãi đến nay, rất nhiều Chuột hai chân vẫn còn nhan nhản trên đời.
(SƯU TẦM )

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

CHUẨN BỊ CHO CON CÁI

CHUẨN BỊ CHO CON CÁI MỘT CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC - GS Hồ Công Hưng

Yêu thương ai là cầu mong và tạo điều kiện cho người đó hạnh phúc. "Đối tác" trong tình yêu nam nữ là những con người trưởng thành, đã được định hình, nên khi hai người yêu sống chung với nhau thì hạnh phúc chỉ có thể lâu bền nếu hai người luôn biết tự sửa mình (tu thân) để cùng xây dựng tổ ấm. Trái lại, cha mẹ dạy dỗ con cái từ khi chúng mới lọt lòng mẹ, giống như uốn một cái cây từ khi mới trồng, nên hạnh phúc của con cái tùy thuộc chủ yếu vào việc giáo dục gia đình. Vì thế, chuẩn bị cho con cái có một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai là trách nhiệm nặng nề nhưng cao cả của bậc làm cha mẹ.
1.  Tạo điều kiện cần và đủ cho con cái sống hạnh phúc: 
Khi có con, cha mẹ nào thương con cũng lo cho con khỏe mạnh, có thân xác tráng kiện, và thông minh, học hành giỏi giang, đỗ đạt cao để sao nầy có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập cao. Khi con trưởng thành, cha mẹ lại mong con lấy vợ đẹp, có chồng giàu. Những ước muốn đó rất chính đáng và nằm trong trách nhiệm của cha mẹ. Nhưng chỉ lo chừng đó chuyện, liệu có đủ để cho con mình được hạnh phúc chưa? Sức khỏe, bằng cấp, vợ đẹp, giàu sang ... chỉ có thể là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để có hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc là do cái tâm con người. Vì thế điều căn bản để con cái sống hạnh phúc là giáo dục cho chúng có một tấm lòng.
2.  Xây dựng tổ ấm gia đình để con cái có môi trường phát triển tốt nhất: 
Con cái là kết quả của tình yêu giữa cha mẹ, nên chúng chỉ có thể lớn lên và phát triển trong tổ ấm gia đình. Bởi vậy, để bảo đảm cho con cái có một môi trường phát triển tốt nhất, giữa cha và mẹ cần phải có một tình yêu bền vững. Trong gia đình, cha mẹ sống hết lòng với nhau, hết lòng với con cái; đó là cách tốt nhất để giáo dục con cái có tấm lòng. Nên nhớ, giáo dục con người, đặc biệt trong gia đình, chỉ có thể là công trình của tình thương.
3.  Gíáo dục là giúp cho con cái trở thành chính nó: 
Mỗi một con người lớn lên là một chủ thể duy nhất, không ai thay thế được và cuộc đời bao giờ cũng là con đường mà mỗi người phải tự mình vượt qua. Cha mẹ dù có thương con cách mấy cũng không thể sống hộ con được. Vì thế giáo dục không có khuôn mẫu định sẵn, lại càng không có việc o ép con cái theo đuổi một ngành nghề do ý thích độc đoán của cha mẹ, trái với sở thích và khả năng của nó. Giáo dục là giúp con cái phát huy nội lực bản thân để tự mình có thể giải quyết, đối phó với bao nhiêu tình huống, đôi khi éo le, của cuộc sống đa dạng và phức tạp nầy.
4.  Hãy là cha mẹ "trên từng cây số" của cuộc đời con: 
Trong suốt quá trình hình thành nhân cách của con, ở từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý, cha mẹ là những người quan trọng, nếu không phải là duy nhứt, chứng kiến, theo dõi, giúp đỡ con, luôn biết lắng nghe và đối thoại với con. Đó cũng diễm phúc lớn lao của bậc làm cha mẹ. Nếu vì hoàn cảnh khách quan mà cha mẹ phải ở xa con cái, thì bằng mọi cách, cha mẹ cũng phải chứng tỏ sự hiện diện của mình bên cạnh con để nâng đỡ, khuyên lơn ...., đặc biệt là tạo sự tin tưởng của con cái đối với mình.
5.  Dạy cho con biết đồng cảm với những khổ đau của đồng loại: 
Không cha mẹ nào mong muốn con cái lớn lên gặp tai ương, hoạn nạn, tật nguyền ..., nhưng trên cuộc đời nầy vẫn luôn có những người đau khổ vì hoàn cảnh nầy hay hoàn cảnh khác. Trước cảnh những em bé cùng trang lứa phải sống màn trời chiếu đất ở vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long, hoặc mất cha mẹ vì bom đạn ở Afghanistan hay đói khổ vì hạn hán ở Châu Phi ..., mà con cái chúng ta vẫn thờ ơ, không cảm thấy chút xót thương nào, thì đó là dấu hiệu đáng báo động. Kinh nghiệm cho thấy khi dạy cho con biết đồng cảm với những khổ đau của đồng loại ..., thì đó chính là giúp cho con mình sống hạnh phúc.
6.  Hướng dẫn cho con có thái độ hợp lý đối với tiền bạc: 
Tiền bạc, của cải là phương tiện rất cần thiết cho cuộc sống hôm nay và đôi khi cũng là thước đo sự thành đạt của một người trong xã hội. Nhưng tiền bạc không phải là tất cả, không phải là giá trị cao nhất để con cái chúng ta có thể đánh đổi với bất cứ giá nào. Nên dạy con không bao giờ đồng hoá tất cả giá trị con người mình với những của cải mình có, bởi một lý do dễ hiểu: tiền bạc, của cải là phù du, có đó mất đó. Hơn nữa, tiền bạc mất có thể kiếm lại được nhưng có nhiều điều như uy tín, lòng trung thực, tình nghỉa ... đã mất rồi thì khó mà tìm lại được.
7.  Dạy cho con biết cảm ơn, xin lỗi và tha thứ: 
Trong quan hệ giữa người với người trong xã hội, luôn có kẻ cho người nhận, ơn qua nghĩa lại, hãy dạy con ngay từ nhỏ khi nhận ơn phải biết mang ơn và bày tỏ sự mang ơn đó, đặc biệt đối với người thấp kém hơn mình. Cũng vậy, khi thấy con làm điều sai trái, gây thiệt hại hay làm phật lòng người khác, cha mẹ chỉ bảo cho con biết khiêm tốn nhận lỗi và xin lỗi. Ngược lại, khi người khác có lỗi với con cái mình, hãy tập cho chúng biết tha thứ. Cảm ơn, xin lỗi, tha thứ, tuy có vẻ là "chuyện nhỏ", nhưng đòi hỏi một chút khiêm tốn, can đảm và giúp cho tâm hồn an bình, thanh thản. 
... ... ... ...
Trên đây chỉ là những điểm gợi ý (đề cương) cho những người làm cha mẹ suy nghĩ về việc giáo dục con cái trong gia đình, một vấn đề cấp bách đang đặt ra trong giai đoạn xã hội hiện nay. Những điểm gợi ý đó thật ra không có gì mới lạ; ông bà chúng ta ngày trước, có thể chỉ là một bà già trầu hay một ông nông dân quê mùa ít học, đã từng thể nghiệm khi nuôi dạy con cháu theo đúng lương tri tự nhiên của mình. Nhờ đó, chúng ta mới có nhiều thế hệ cha ông sống hạnh phúc vì đã đóng góp hết sức mình để xây dựng và bảo vệ đất nước, cho con cháu ngày sau. Đơn cử một trường hợp, người viết có một bà bác vợ ở miệt Bình Chánh, hoàn toàn mù chữ; khi hay tin người con trai được giữ một chức vụ quan trọng trong chính quyền, bà chỉ nhắc con một câu đơn giản: "Con đừng bao giờ làm điều gì khiến con cười mà người khác phải khóc".
H.C.H

NÊN QUÊN NHỮNG GÌ NÊN QUÊN

Quên những cái nên quên,




Một buổi tối, tôi đi thăm người bạn từng bị vu cáo hãm hại.
Lúc ăn cơm, anh nhận được một cuộc điện thoại, người đó muốn nói cho anh biết ai đã hãm hại anh.

Nhưng anh bạn tôi đã từ chối nghe.
Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói

“Biết rồi thì sao chứ? Cuộc sống có những chuyện không cần biết và có những thứ cần phải quên đi”.
Sự rộng lượng của anh khiến tôi rất cảm kích. Đời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc. 


Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “ Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”
Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong nó chính là nghệ thuật nhân sinh. Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường.

 Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.
Sẵn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống.

 Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình,

Cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.
Rất nhiều người thích câu thơ : 
 “Xuân có hoa bách hợp, thu có trăng. Hạ có gió mát, đông có tuyết”.
Trong lòng không có việc phải phiền lo mới chính là mùa đẹp của nhân gian.

Nhớ những cái cần nhớ,
quên những cái nên quên,
sống cuộc sống cởi mở,
trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.
  
 Giang Nhất Yến

Bài đăng phổ biến