Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

NGHỆ THUẬT SỐNG

NGHỆ THUẬT SỐNG

Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử,

 sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư:

 Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa?

 Ngài Tinh Vân bảo:

 Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.

1 // Thứ nhất , “học nhận lỗi”.

Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

2 // Thứ hai, “học nhu hòa”.

Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.

3 // Thứ ba, ” học nhẫn nhục”.

Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

4 // Thứ tư, “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

5 // Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!

6 // Thứ sáu, “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

7 // Thứ bảy, “học sinh tồn”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

( SƯU TẦM)

MỘT CÕI ĐI VỀ

MỘT CÕI ĐI VỀ


Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta, đôi vầng nhật nguyệt
Dọi suốt trăm năm một cõi đi về.
………………….
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà.
…………………
Trong khi ta về, lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì.

                                                                                                            Trịnh Công Sơn

***************************
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, đi hoài đi mãi cho đời mỏi mệt, loanh quanh luẩn quẩn như kiến miệng chén, đi suốt kiếp người mà không biết mình đi đâu, về đâu?  Đi mà “chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà”, đi mà không biết cái đích mình sẽ đến, cái nơi mình xuất phát.  Đến nơi này lại nhớ nơi kia, “ta về lại nhớ ta đi”, nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã không biết mình đi đâu thì hậu thế hôm nay ai dám biết chắc ông đã về nơi đâu và đang ở đâu?
Bài Phúc âm Chúa Giêsu biến hình hôm nay, Chúa mời gọi ba môn đệ Phêrô, Gioan, Giacôbê “đi riêng” ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, đến một ngọn núi cao, thanh vắng, không tiếng người, không bon chen ồn ào, tránh xa “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”…. và ở đó, Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông.  Trong không gian tĩnh lặng, các ông nghe được tiếng nói của Thiên Chúa từ trời cao: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9:7).  Hạnh phúc ngất ngây ở bên Người, mắt phàm được mạc khải vẻ huy hoàng rực rỡ của Thiên Chúa đã làm các ông quên tất cả, quên đường về, quên cha mẹ vợ con, quên bổn phận của mình và của Thầy dưới núi.  Ở đây không có cảnh “ta về lại nhớ ta đi” hay “ta trên núi lại nhớ ta dưới núi” cho thế nhân biết các ông đã cảm nghiệm được một hạnh phúc tuyệt đối đích thực.  Chỉ một vài giây phút cảm nghiệm hạnh phúc ngắn ngủi mà các ông sẵn sàng đánh đổi mọi sự để chiếm cho bằng được hạnh phúc đó, dù có phải qua đồi Golgotha máu chảy lệ rơi!
Nếu hôm xưa Chúa mời gọi các ông “đi riêng” với Ngài mà các ông từ chối thì chắc chắn các ông sẽ không bao giờ có được cảm nghiệm tuyệt vời đó!
Thiên Chúa không chỉ mời gọi ba môn đệ “đi riêng” với Người cách đây hơn 2000 năm.  Thiên Chúa cũng không chỉ biến hình một lần duy nhất trên núi Tabor. 
Thiên Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta “đi riêng” ra một chỗ với Người mỗi ngày trong cuộc sống đầy bận rộn.  “Đi riêng” để Người có dịp cho ta chứng kiến vinh quang của Người, “đi riêng” đến một nơi thanh vắng để nghe được tiếng Thiên Chúa nói trong đáy lòng mỗi người. 
Ngài mời gọi và chúng ta có đáp lại tiếng mời gọi để cùng “đi riêng” với Ngài hay không?
Cuộc sống bận rộn cứ mãi vần xoay và chẳng ai tìm đâu chút thời giờ để “đi riêng” với Người.  Phải, kiếp người như con cù, xoay hoài xoay mãi, xoay theo đòi hỏi nhu cầu của xã hội:  nhà cửa, xe cộ, tiền tài, các hoá đơn chồng chất, sự nghiệp của mình, tương lai con cái …. rồi mỏi mệt nhắm mắt xuôi tay mới chua chát nhận ra rằng “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”, và đôi tay đó đã bóp chết bao kiếp người trong những nhu cầu tầm thường.

***************************
Lạy Chúa Giêsu Chí Thánh, mặc dù cuộc sống đầy những bận rộn lo toan nhưng xin cho con biết thu xếp thời gian để “đi riêng” ra một chỗ với Ngài, để có được những cảm nghiệm riêng tư giữa con và Ngài, để lắng nghe tiếng Ngài nói nơi tâm hồn con.  Chúa ơi, mặc dù “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ” với Ngài nhưng con biết vinh quang Thiên Chúa thì vô biên không bút mực nào tả xiết, con biết nếu con đáp lại lời mời gọi “đi riêng” với Ngài thì con sẽ được hội ngộ với Ngài ngay từ đời này, xin cho con tin chắc rằng con sẽ được hội ngộ với Ngài mãi mãi trong một ngày gần đây, và xin cho con sống và chết cho niềm tin đó.  Amen!

Lang Thang Chiều Tím

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

DAI HOI SONG NGUYEN THE GIOI

  
ĐẠI HỘI SONG NGUYỀN THẾ GIỚI KỲ IV (30, 31/1 & 1/2/2012)
KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
TẠI LINH ĐỊA LA VANG, HUẾ
Phần Một
Giữa tiết trời mùa Xuân tràn trề sức sống, nối tiếp không khí vui tươi của những ngày Tết Nhâm Thìn, Đại Hội Song Nguyền Thế Giới kỳ IV với chủ đề "Ngân Khánh Bên Mẹ, Song Nguyền Yêu Thương" đã được tổ chức tại Linh địa La Vang vào ba ngày 30, 31/1 và 1/2/2012.
Đại Hội lần này là cột mốc đáng ghi nhớ đánh dấu chặng đường 25 năm (1987 - 2012) Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình phục vụ các Gia đình trên khắp các châu lục, và 9 năm phục vụ tại Quê Nhà, hiện diện ở trên 20 trong 26 Giáo Phận cả ba Miền Bắc, Trung và Nam. Thật ra, 25 năm so với lịch sử của các Đoàn thể Công giáo Tiến hành kỳ cựu khác chỉ là quãng thời gian rất khiêm tốn. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, 25 năm nỗ lực góp phần đem lại hạnh phúc đầm ấm cho các gia đình khi định chế căn bản này đang bị xói mòn lung lay, là điều đáng ghi nhận; 25 năm, nhờ sự phù trì của Thánh Gia, bền bỉ làm chứng tá Gia đình Kitô giáo giữa một xã hội tục hóa vô luân là nỗ lực cần khuyến khích; 25 năm theo học trường Giêsu - Ngôi Hai Nhập Thể, lấy đức Khiêm Nhường làm nền tảng để tìm lại “cái hay ban đầu” và giúp mọi người có được sự “Yêu thương gần gũi bằng việc làm” là một việc làm cần thúc đẩy.
Nhưng trên hết, qua một phần tư thế kỷ trên đường trần gian nhiều giông bão mà đến nay Chương Trình vẫn còn hiện diện và tiếp tục phát triển, thì chắc chắn đó phải là quãng thời gian đầy ân sủng và là công việc của Thiên Chúa Tình Yêu.
Vì thế, Đại Hội IV là thời gian Song Nguyền khắp nơi quây quần trong Nhà Mẹ để ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa; là lúc phủ phục dưới chân Từ Mẫu để cám ơn và xin ơn; là dịp bày tỏ lòng hiếu thảo với Mẹ Giáo Hội và tri ân các vị Chủ Chăn; là cơ hội trang trọng để nói lên lòng biết ơn Cha sáng lập, người đã khai sinh và dấn thân sống chết để phát triển chương trình nhằm mưu cầu hạnh phúc cho các Gia đình và ích lợi cho các linh hồn.
Mừng Ngân khánh chương trình cũng là dịp các anh chị em Song Nguyền khắp nơi quy tụ gặp gỡ, tâm tình, trao đổi cảm nghiệm, nâng đỡ và động viên nhau trong các hoàn cảnh buồn vui của đời sống.
Đồng thời đây cũng là lúc lắng nghe giáo huấn của Chủ chăn, hâm nóng Đoàn sủng của Chương Trình, và bàn thảo góp ý những "Cách Mới" để thích ứng với thời đại và hoàn cảnh hiện nay.
Với ý nghĩa và mục đích trên, Ban Tổ Chức đã xếp đặt nội dung cho 3 ngày Hội, mà các Thánh Lễ là cao điểm. Thánh Lễ Khai mạc có chủ đề "Ngân khánh bên Mẹ, song nguyền Yêu thương", Thánh Lễ Tạ Ơn vào ngày thứ 2 của Đại hội với ý nghĩa "Ngân khánh bên Mẹ, song nguyền Tạ ơn", và Thánh Lễ Bế mạc vào ngày cuối cùng là "Ngân khánh bên Mẹ, song nguyền Ra đi".
***
Những cơn mưa dai dẳng trái mùa của xứ Huế làm những con đường đất đỏ dẫn vào Linh địa trở nên lầy lội. Tuy nhiên, những khó khăn bên ngoài không ngăn được bước chân của các Song nguyền; sự khắc nghiệt của thời tiết và trở ngại lối đi chỉ làm tăng thêm giá trị của lòng mộ mến Thánh Mẫu và sự nhiệt tình dành cho Đại Hội.
Rải rác từ chiều Chúa Nhật 29/1/2012, trên quốc lộ 1 đã có nhiều chuyến xe chở hàng trăm Song nguyền từ hai hướng Bắc và Nam trực chỉ Trung tâm Thánh Mẫu. Đến 2 giờ chiều ngày 30/1 thì bãi đỗ xe của Trung tâm không còn một chỗ trống.
Vừa đặt chân vào sân Nhà Hành Hương, một biểu ngữ lớn được định vị phía trên tiền sảnh đập vào mắt mọi người "Đại Hội Song Nguyền Thế Giới kỳ IV - Kỷ Niệm Ngân Khánh Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình". Câu "Chào Mừng Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và Gia Đình Song nguyền" treo ở đường chính ra Linh đài Đức Mẹ, dọc 2 bên lối đi có rất nhiều pa-nô với nội dung thắm đượm Đoàn sủng của Chương Trình.

Đại Hội lần này quy tụ gần 1.600 Song nguyền từ khắp 3 miền Bắc Trung Nam, trong đó có khoảng 150 anh chị đến từ các tiểu bang Hoa Kỳ, Canada, Đan Mạch, Úc châu, Nhật Bản và Singapore. Cuộc hành hương cũng được sự đồng hành của 23 Cha Linh nguyền, một Thầy Phó tế và nhiều nữ tu, có nhiều vị đến từ bên kia bờ đại dương.
Không khí ở khu vực Nhà Hành Hương thật náo nhiệt, vui tươi và gần gũi. Ban Lễ tân làm việc khá vất vả vì có quá nhiều người đến đăng ký cùng một lúc. Khắp nơi, từng nhóm song nguyền, người tay bắt mặt mừng chào hỏi, kẻ giới thiệu làm quen, có anh chị tranh thủ ghi hình kỷ niệm...
Đúng 4 giờ 30 chiều, Thánh Lễ Khai mạc Đại Hội "Ngân khánh bên Mẹ, Song nguyền yêu thương" được cử hành do Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Giám Mục Phụ tá TGP Huế thay mặt Đức Tổng Giám Mục Têphanô, chủ sự. Cùng đồng tế với ngài có Cha Sáng lập Phêrô, Cha Quản nhiệm Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Cha Tổng Linh nguyền Việt Nam Giuse Vũ Dần, Quý Cha Tổng linh nguyền các nơi và các Cha Linh nguyền.
 
Đầu Thánh Lễ, Cha Phaolô Nguyễn Luận, Giám nguyền Việt Nam, đọc diễn từ khai mạc Đại Hội. Sau khi thay mặt Ban Tổ chức chào mừng Đức Cha Phụ Tá TGP Huế, Quý Đức Cha, Cha Sáng lập, Cha Quản nhiệm và Quý Cha, cùng Quý tu sĩ và toàn thể anh chị em Song nguyền, ngài nói:
 
"Từ ngày Chương trình được thành lập năm 1987, nay đã lan rộng đến nhiều quốc gia, và đã hiện diện trên Quê Hương yêu dấu Việt Nam khắp Bắc Trung Nam. Có hơn 20 trên 26 giáo phận đã sinh hoạt trong Chương trình. Đó là do sáng kiến và công lao của Cha Phêrô Chu Quang Minh, người sáng lập Chương trình. Nhưng trên hết, Chương trình được mở rộng ra khắp nơi như thế, là nhờ các Đấng Bản quyền chuẩn nhận, giới thiệu…cũng như sự hưởng ứng nồng nhiệt của các gia đình, vì mọi người đều cảm nhận được Chương trình đã mang lại một sức sống mới, niềm vui mới cho đời sống hôn nhân gia đình của mình, theo mục đích của Chương trìnhlà “YÊU THƯƠNG GẦN GỦI BẰNG VIỆC LÀM…”
Trong lời dẫn lễ, Đức Cha Phụ Tá Phanxicô Xaviê xác định:
"Hôm nay, chúng ta quy tụ về đây, bên linh đài của Mẹ La Vang, để cử hành Đại Hội Song Nguyền, dịp ngân khánh của chương trình thăng tiến đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo.
Gia đình và hôn nhân là hai yếu tố nền tảng có tính cách quyết định cho sự sống còn và phát triển của xã hội và Giáo Hội. Vì thế, từ sau công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã đặt mục vụ gia đình lên một tầm cao mới, đã gọi gia đình là Giáo Hội thu nhỏ…"
 
Phần giảng lễ, căn cứ trên bài Phúc âm "Tiệc cưới Cana" (Ga 2,1-11), sau khi nhấn mạnh và triển khai 2 điểm cần lưu ý: đây là phép lạ đầu  tiên của Đức Giêsu và sự hiện diện của Đức Maria, Đức Cha chủ tế nói tiếp: "Bữa tiệc vui nào rồi cũng phải kết thúc sau vài giờ ngắn ngủi, nhưng bữa tiệc hôn phối, giữa đôi song nguyền phải kéo dài cả một đời người. Để duy trì được niềm vui, để có đủ rượu nồng sưởi ấm cho tình yêu đôi lứa suốt đời là một điều khó khăn." Rồi dựa vào Thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlosê (Col 3, 12-13), ngài quả quyết: Tình yêu trong hôn nhân phải là một tình yêu dựa trên sự hy sinh, nhẫn nhục và tha thứ. Cuối cùng ngài kết luận: Như trong tiệc cưới Cana, "Hôm nay, trong đời sống hôn nhân, Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng đang hiện diện giữa gia đình anh chị em…Hãy lắng nghe lời của Mẹ Maria 'Ngài bảo gì các anh cứ việc làm theo' …"
Cuối Thánh Lễ, đại diện các song nguyền đã dâng lên Đức Cha và Quý cha lời cám ơn, đồng thời mừng tuổi và chúc Tết các ngài nhân dịp đầu Năm Mới. Các song nguyền cũng không quên kính xin Đức Cha Phụ tá chuyển đến Đức Tổng Têphanô tâm tình biết ơn, thảo hiếu và vâng phục.
Sau cơm tối, mọi người trở lại Nhà Thờ để Cung nghinh và chầu Thánh Thể do Cha Tổng linh nguyện Việt Nam chủ sự. Nội dung cuộc rước được Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Sỹ, Giám nguyền Giáo phận Bùi Chu biên soạn và hướng dẫn. Các song nguyền đã phủ phục  trước Thánh Nhan để thờ lạy, ca ngợi, và cầu xin ơn bình an, niềm hạnh phúc.
Sinh hoạt cuối cùng trong ngày là "Hội thi Chuông vàng Thăng tiến". Hơn 1.000 người tập trung về khu nhà hội rộng rãi và thông thoáng để cổ động cho Đội nhà. Sau phần giới thiệu Quan khách và các Chủ nguyền khắp nơi, 100 song nguyền đại diện cho các Quốc gia và Giáo phận được sắp xếp ở vị trí đã định sẵn trước sân khấu để tham dự cuộc thi. Nội dung cuộc thi được Ban tổ chức chuẩn bị và thông báo rộng rãi từ trước, với 100 câu hỏi trắc nghiệm nhằm giúp các song nguyền học hỏi Giáo huấn của Giáo hội về Gia đình và ôn  tập, hâm nóng Đoàn sủng của Chương Trình. Cuộc thi diễn ra thật hào hứng, đơn vị đoạt giải cuộc thi này là song nguyền Giáo phận Đà Nẵng.
 
22 giờ 30, Cha Tổng Linh nguyền xướng Kinh Sáng Danh và ban phép lành của Chúa cho mọi người kết thúc ngày đầu tiên của Đại Hội thật tốt lành …
NGUON ; TGP HUE

Bài đăng phổ biến