Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Truyền thuyêt dòng sông Dakbla

Truyền thuyết dòng sông DăkBla
Truyền thuyết dân tộc BahNar
                                                                  Phùng sơn sưu tầm

            Ngày xưa người dân ở nơi này không gọi dòng sông Dak Bla như bây giờ, mà họ gọi tên dòng sông này là Dak Blăh.
            Theo tiếng BahNar: Dak là dòng sông (nước); Blăh là giao tranh.

            Chuyện kể rằng, ngày xưa có một bộ tộc đi từ hướng Đông di cư lên hướng Tây bắc của Cao nguyên để tìm vùng đất sinh sống. Họ đi, đi mãi thì gặp dòng sông. Già làng quyết định dừng chân làm lễ vật cúng tế xin Giàng chọ họ được lập làng. Giàng ưng thuận. Cả lũ làng ai nấy chặt cây dựng nhà. Trai gái đua nhau chọc đất trỉa bắp, trỉa lúa. Nhờ Giàng Lúa che chở cây bắp, cây lúa lớn nhanh như thổi. Cây trái trĩu hạt vàng rực cả mấy ngọn đồi. Con hươu, con mang về ở cùng lũ làng. Đến tuổi trưởng thành, thằng con trai út của già làng Dông Vôn, tên là Kơ Pâng lấy được con Hơ Nghia xinh đẹp nhất làng. Cả làng tề tựu kẻ bưng lúa, người gùi bắp, gùi rượu làm lễ cưới cho thằng Kơ Pâng và con Hơ Nghia. Lễ cưới kéo dài cả tuần lễ. Đời sống của dân làng đang ấm no hạnh phúc. Già làng Dông Vôn bỗng trở nên kiêu căng, tự mãn. Ông cho mình là bậc thần linh sống giữa dân làng. Ngày càng rượu chè be bét, chẳng chịu đi trỉa lúa, hái bắp cùng với lũ làng.
            Năm ấy có một con lũ lớn về đã quét sạch nương lúa, nương bắp. Dân làng lâm vào cảnh khốn cùng; cũng trong năm ấy một bộ phận của người Xê Đăng hùng mạnh đến đánh giết dân làng, bắt già làng Dông Vôn phải cống nạp gái đẹp cho họ. Già làng họp dân làng lại bảo rằng: Trong làng đã có người phạm đến Giàng, nên Giàng bắt phạt đưa nước về cuốn sạch cây lúa, cây bắp; đưa người Xê Đăng đến giết hại, cướp bóc. Trong lúc tình cảnh của dân làng ngày càng khốn khổ, ông Dông Vôn cầm trái đắng trên tay và bảo:
            - “Bớ lũ làng! Các ngươi đã phạm đến Giàng! Nên Giàng đã phạt lũ làng. Nay ta thay mặt Giàng bảo với các ngươi! Lúc nào trái đắng này mọc ở đầu con nước các ngươi mới được gieo trồng hạt bắp, hạt lúa”.
            Nghe vậy Kơ Pâng đứng dậy phản đối lệnh của cha:
            - “Thưa cha! Xưa nay con nước lớn vẫn thỉnh thoảng về là chuyện thường xảy ra, cớ chi cha lại cho là lũ làng phạm đến Giàng nên Giàng bắt phạt! Lũ làng đã không cái ăn mà cha lại không cho lũ làng trỉa hạt lúa, hạt bắp, lũ làng sẽ chết hết thôi!”.
            Già làng Dông Vôn giận dữ. Ra lệnh cho con trai lớn là Kơ Nâm đuổi vợ chồng chủa em mình vào rừng sâu cho ma cọp ăn thịt. Kơ Pâng và Hơ Nghia ra đi trong lòng thương xót của lũ làng.
            Kơ Pâng và Hơ Nghia vượt sông sang một cánh đồng chặt cây rừng làm nhà. Hai vợ chồng chăm chỉ trỉa lúa, trỉa bắp. Nhờ Giàng Lúa giúp đỡ hai vợ chồng nên chẳng mấy chốc, cây lúa, cây bắp mọc vàng cả cánh đồng. Lũ làng bên này bờ sông thấy vợ chồng Kơ Pâng sung túc, họ lần lượt kéo sang ở cùng hai vợ chồng Kơ Pâng và Hơ Nghia.
            Già làng Dông Vôn thấy vậy tức lắm! Năm đó đã đến thời hạn cống nạp gái đẹp cho người Xê Đăng. Dông Vôn ra lệnh cho Kơ Nâm đem quân vượt sông bắt cho bằng được Hơ Nghia về để cống nạp. Kơ Nâm đã giao tranh cùng với em mình ròng rã ba mùa trăng. Máu của hai làng chảy thành sông mà vẫn không phân thắng bại. Bỗng trái đắng đã mọc ở đầu nguồn, già làng Dông Vôn bị Giàng bắt chết đứng ở giữa dòng sông. Khi già làng Dông Vôn chết, hai anh em không còn đánh nhau nữa. Họ đã ôm chầm lấy nhau trong nỗi vui mừng, vì họ đã nhận thấy sự tàn ác của cha mình đã bị Giàng trừng phạt.
            Từ đó dòng sông được dân làng hai bên bờ đặt tên là Dak Bla (Blăh) để ghi nhớ về sự tàn ác của già làng Dông Vôn gây ra. Hai làng Kon Tum Kơ Pâng và Kon Tum Kơ Nâm cũng được dân làng đặt tên từ đó và đến nay vẫn còn gọi tên của hai anh em./-       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến