Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

CHUẨN BỊ CHO CON CÁI

CHUẨN BỊ CHO CON CÁI MỘT CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC - GS Hồ Công Hưng

Yêu thương ai là cầu mong và tạo điều kiện cho người đó hạnh phúc. "Đối tác" trong tình yêu nam nữ là những con người trưởng thành, đã được định hình, nên khi hai người yêu sống chung với nhau thì hạnh phúc chỉ có thể lâu bền nếu hai người luôn biết tự sửa mình (tu thân) để cùng xây dựng tổ ấm. Trái lại, cha mẹ dạy dỗ con cái từ khi chúng mới lọt lòng mẹ, giống như uốn một cái cây từ khi mới trồng, nên hạnh phúc của con cái tùy thuộc chủ yếu vào việc giáo dục gia đình. Vì thế, chuẩn bị cho con cái có một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai là trách nhiệm nặng nề nhưng cao cả của bậc làm cha mẹ.
1.  Tạo điều kiện cần và đủ cho con cái sống hạnh phúc: 
Khi có con, cha mẹ nào thương con cũng lo cho con khỏe mạnh, có thân xác tráng kiện, và thông minh, học hành giỏi giang, đỗ đạt cao để sao nầy có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập cao. Khi con trưởng thành, cha mẹ lại mong con lấy vợ đẹp, có chồng giàu. Những ước muốn đó rất chính đáng và nằm trong trách nhiệm của cha mẹ. Nhưng chỉ lo chừng đó chuyện, liệu có đủ để cho con mình được hạnh phúc chưa? Sức khỏe, bằng cấp, vợ đẹp, giàu sang ... chỉ có thể là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để có hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc là do cái tâm con người. Vì thế điều căn bản để con cái sống hạnh phúc là giáo dục cho chúng có một tấm lòng.
2.  Xây dựng tổ ấm gia đình để con cái có môi trường phát triển tốt nhất: 
Con cái là kết quả của tình yêu giữa cha mẹ, nên chúng chỉ có thể lớn lên và phát triển trong tổ ấm gia đình. Bởi vậy, để bảo đảm cho con cái có một môi trường phát triển tốt nhất, giữa cha và mẹ cần phải có một tình yêu bền vững. Trong gia đình, cha mẹ sống hết lòng với nhau, hết lòng với con cái; đó là cách tốt nhất để giáo dục con cái có tấm lòng. Nên nhớ, giáo dục con người, đặc biệt trong gia đình, chỉ có thể là công trình của tình thương.
3.  Gíáo dục là giúp cho con cái trở thành chính nó: 
Mỗi một con người lớn lên là một chủ thể duy nhất, không ai thay thế được và cuộc đời bao giờ cũng là con đường mà mỗi người phải tự mình vượt qua. Cha mẹ dù có thương con cách mấy cũng không thể sống hộ con được. Vì thế giáo dục không có khuôn mẫu định sẵn, lại càng không có việc o ép con cái theo đuổi một ngành nghề do ý thích độc đoán của cha mẹ, trái với sở thích và khả năng của nó. Giáo dục là giúp con cái phát huy nội lực bản thân để tự mình có thể giải quyết, đối phó với bao nhiêu tình huống, đôi khi éo le, của cuộc sống đa dạng và phức tạp nầy.
4.  Hãy là cha mẹ "trên từng cây số" của cuộc đời con: 
Trong suốt quá trình hình thành nhân cách của con, ở từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý, cha mẹ là những người quan trọng, nếu không phải là duy nhứt, chứng kiến, theo dõi, giúp đỡ con, luôn biết lắng nghe và đối thoại với con. Đó cũng diễm phúc lớn lao của bậc làm cha mẹ. Nếu vì hoàn cảnh khách quan mà cha mẹ phải ở xa con cái, thì bằng mọi cách, cha mẹ cũng phải chứng tỏ sự hiện diện của mình bên cạnh con để nâng đỡ, khuyên lơn ...., đặc biệt là tạo sự tin tưởng của con cái đối với mình.
5.  Dạy cho con biết đồng cảm với những khổ đau của đồng loại: 
Không cha mẹ nào mong muốn con cái lớn lên gặp tai ương, hoạn nạn, tật nguyền ..., nhưng trên cuộc đời nầy vẫn luôn có những người đau khổ vì hoàn cảnh nầy hay hoàn cảnh khác. Trước cảnh những em bé cùng trang lứa phải sống màn trời chiếu đất ở vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long, hoặc mất cha mẹ vì bom đạn ở Afghanistan hay đói khổ vì hạn hán ở Châu Phi ..., mà con cái chúng ta vẫn thờ ơ, không cảm thấy chút xót thương nào, thì đó là dấu hiệu đáng báo động. Kinh nghiệm cho thấy khi dạy cho con biết đồng cảm với những khổ đau của đồng loại ..., thì đó chính là giúp cho con mình sống hạnh phúc.
6.  Hướng dẫn cho con có thái độ hợp lý đối với tiền bạc: 
Tiền bạc, của cải là phương tiện rất cần thiết cho cuộc sống hôm nay và đôi khi cũng là thước đo sự thành đạt của một người trong xã hội. Nhưng tiền bạc không phải là tất cả, không phải là giá trị cao nhất để con cái chúng ta có thể đánh đổi với bất cứ giá nào. Nên dạy con không bao giờ đồng hoá tất cả giá trị con người mình với những của cải mình có, bởi một lý do dễ hiểu: tiền bạc, của cải là phù du, có đó mất đó. Hơn nữa, tiền bạc mất có thể kiếm lại được nhưng có nhiều điều như uy tín, lòng trung thực, tình nghỉa ... đã mất rồi thì khó mà tìm lại được.
7.  Dạy cho con biết cảm ơn, xin lỗi và tha thứ: 
Trong quan hệ giữa người với người trong xã hội, luôn có kẻ cho người nhận, ơn qua nghĩa lại, hãy dạy con ngay từ nhỏ khi nhận ơn phải biết mang ơn và bày tỏ sự mang ơn đó, đặc biệt đối với người thấp kém hơn mình. Cũng vậy, khi thấy con làm điều sai trái, gây thiệt hại hay làm phật lòng người khác, cha mẹ chỉ bảo cho con biết khiêm tốn nhận lỗi và xin lỗi. Ngược lại, khi người khác có lỗi với con cái mình, hãy tập cho chúng biết tha thứ. Cảm ơn, xin lỗi, tha thứ, tuy có vẻ là "chuyện nhỏ", nhưng đòi hỏi một chút khiêm tốn, can đảm và giúp cho tâm hồn an bình, thanh thản. 
... ... ... ...
Trên đây chỉ là những điểm gợi ý (đề cương) cho những người làm cha mẹ suy nghĩ về việc giáo dục con cái trong gia đình, một vấn đề cấp bách đang đặt ra trong giai đoạn xã hội hiện nay. Những điểm gợi ý đó thật ra không có gì mới lạ; ông bà chúng ta ngày trước, có thể chỉ là một bà già trầu hay một ông nông dân quê mùa ít học, đã từng thể nghiệm khi nuôi dạy con cháu theo đúng lương tri tự nhiên của mình. Nhờ đó, chúng ta mới có nhiều thế hệ cha ông sống hạnh phúc vì đã đóng góp hết sức mình để xây dựng và bảo vệ đất nước, cho con cháu ngày sau. Đơn cử một trường hợp, người viết có một bà bác vợ ở miệt Bình Chánh, hoàn toàn mù chữ; khi hay tin người con trai được giữ một chức vụ quan trọng trong chính quyền, bà chỉ nhắc con một câu đơn giản: "Con đừng bao giờ làm điều gì khiến con cười mà người khác phải khóc".
H.C.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến