Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

TÂM SỰ TUỔI GIÀ

"Tâm sự tuổi già"  Trịnh Đông A (Sưu tầm)
Năm tháng vội vã đi qua, đời người vất vả ngắn ngủi, thoáng chốc đã bước vào tuổi già. Chẳng giám nói mình đã hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, chúng ta cảm nhận được rằng chỉ có sống cho minh bạch, thì tuổi già mới trôi qua được ung dung, tự nhiên và thanh thản!
Một ngày trôi qua, mất đi một ngày; Một ngày trôi qua, vui được một ngày; Vui được một ngày, lãi được một ngày.   
Hạnh phúc do mình cố tạo dựng. Niềm vui là mục tiêu cuối cùng của đời người. Niềm vui ẩn chứa trong những sự việc nhỏ nhặt lặt vặt trong cuộc sống, phải tự mình đi tìm lấy nó. Hạnh phúc và niềm vui là một loại cảm giác và thể nghiệm, điều mấu chốt là ở tâm trạng.

Đồng tiền không phải là thứ vạn năng. Không có tiền không phải là nhất nhất đều không thể làm được. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo. Một khi hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết đi chẳng mang theo. Nếu có người cần bạn giúp đỡ, hãy rộng lòng mở hầu bao, đó là niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không vui vẻ mà làm việc đó. Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Nhớ làm chủ đồng tiền, chớ đừng làm tôi tớ cho nó.  
"Quãng đời còn lại càng ngắn dần, thì càng phải làm cho nó thêm phong phú". Người già cần phải thay đổi quan niệm cũ kỹ, hãy chia tay với "Sự tu thiền khổ hạnh", hãy cố làm "Con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi. Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, biết hưởng thụ thành quả của thời đại công nghệ cao. Đó mới là mục tiêu cuộc sống của người già.

Tiền bạc là thứ của con cái, địa vị là thứ  tạm thời, vẻ vang là thứ của quá khứ, sức khỏe mới là thứ của mình. 
Tình yêu của cha mẹ với con cái là vô hạn, tình yêu của con cái giành cho bố mẹ là có hạn. Khi con cái ốm đau cha mẹ lo âu, khi cha mẹ nằm trên giường bệnh con cái thăm hỏi vài câu là coi như đủ rồi. Con cái tiêu tiền của cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền của con cái chẳng phải dễ dàng. Nhà của cha mẹ cũng là của con cái, nhà của con cái đâu phải là của cha mẹ. Khác nhau là thế, người đời coi việc lo liệu cho con cái là nghĩa vụ và niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình. 
Chữa bệnh trông cậy vào ai? Trông cậy vào con cái ư? ốm liệt giường chẳng thấy chữ hiếu đâu. Trông đợi vào bạn đời ư? Tự lo cho bản thân còn chưa xong, muốn đỡ đần cũng chẳng làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách dùng tiền để chữa bệnh thôi. 
Thứ nhận được, người ta chẳng hay để ý. Thứ không có được thường nghĩ về nó quá đẹp. Kỳ thực, sự sung sướng và niềm hạnh phúc trong cuộc sống tùy thuộc vào sự thưởng thức nó như thế nào. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mà mình có được, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống phong phú và vui vẻ. 
Cần có tấm lòng rộng mở, tràn đầy lòng biết ơn và thưởng thức cuộc sống. Trông lên chẳng bằng ai, nhìn xuống thì còn hơn khối người. Có được sự hiểu biết đầy đủ, thì lúc nào cũng vui. Tạo cho mình nhiều niềm đam mê, vui với chúng mà không biết mệt, tìm được niềm vui từ trong đó. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.  
Con người ta vốn chẳng phân biệt giầu nghèo sang hèn, chỉ cần mình tận tâm với công việc là coi như đã có cống hiến, có thể yên lòng mà không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng về nghỉ cả rồi, ai cũng đều như thế cả, cuối cùng đều phải trở về với thiên nhiên. Kỳ thực, chức quyền cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao. Niềm vui là sự sung sướng, sung sướng tức là niềm hạnh phúc. 
Quá nửa đời người giành cho sự nghiệp, bao công sức đã giành cho gia đình cho con cái, giờ đây thời gian còn lại cho mình đã không còn nhiều, cần phải quan tâm cho mình sống được tốt hơn. Sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn làm thích làm thì làm. Mặc kệ cho ai đó nhòm ngó nói năng, bởi mình đâu phải sống theo ý thích và không thích của người khác, cần sống với một tự ngã chân thực.

Sống trên đời không thể nào vạn sự như ý, có thiếu sót là lẽ thường tình ở đời. Nếu cứ chăm chăm theo đuổi sự hoàn mỹ, thì sẽ bị cái hoàn mỹ ấy làm cho vất vả. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiên thực, thế nào rồi cũng xong.   
Người già cái tâm không già, thế là già rồi mà không già. Tâm già người không già, thế là không vì già mà già. Nhưng khi xử lý vấn đề cụ thể vẫn cần nghe theo già.
 Sự sống là ở chỗ vận động, nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thu nổi. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào lại khó chịu. Phàm làm việc gì đều cần nắm vững cái "ngưỡng".   
Người ngu xuẩn, chuốc lấy bệnh tật (như nghiện thuốc, nghiện rượu, ăn nhiều, ham uống). Người dốt nát, chờ đợi bệnh tật đến (ngã bệnh mới đi bệnh viện). Người thông minh, biết phòng bệnh, chăm sóc chu đáo bản thân và biết chăm sóc cuộc sống.  
Khát rồi mới uống, đói rồi mới ăn, mệt rồi mới nghỉ, nhíp mắt lại rồi mới ngủ, ngã bệnh rồi mới đi bệnh viện. Kỳ thực đều đã muộn cả rồi.   
Chất lượng cuốc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy. Tư duy có lợi là bất cứ việc gì cũng đều xét theo yếu tố có lợi. Thiết kế cuộc sống tuổi già theo cách tư duy có lợi, sẽ làm cho tuổi già tràn đầy sức sống và tự tin, ngày ngày trôi qua có hương vị. Tư duy có hại là, sống cẩu thả qua ngày với tâm trạng tiêu cực bi quan, như vậy ắt sẽ chóng già chết sớm.   
Vui chơi là một trong những yêu cầu cơ bản của người già. Hãy ấp ủ trái tim con trẻ để tìm cho mình trò chơi ưa thích nhất. Trong vui chơi hãy thể nghiệm sự hưng phấn và vui sướng của chiến thắng, thua không cay cú, chơi là đùa vui. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần sự kích thích và hưng phấn thỏa đáng để tạo thành sự tuần hoàn lành mạnh.   
"Hoàn toàn khỏe mạnh" đó là chỉ thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức lành mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là chỉ người già có sức chịu đựng tương đối tốt, biết tự chủ, biết giao thiệp. Đạo đức lành mạnh là người có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có tấm lòng khoan dung rộng mở, chăm làm điều thiện. Như vậy ắt sẽ sống lâu.

Con người là thành viên của xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, cần chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình. Đó mới là cách sống lành mạnh.
 Cuộc sống tuổi già cần phải đa tầng, đa nguyên, muôn màu muôn vẻ. Có một, hai bạn tốt thì chưa đủ, cần phải có một nhóm bạn già, tình bạn có thể làm đẹp thêm cuộc sống của người già, làm cho cuộc sống của bạn có nhiều hương vị, muôn màu muôn vẻ.  
Con người chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Điều mấu chốt là trong thời gian đau buồn ấy bạn chọn cách sống như thế nào.  
Người già tại sao hay hoài cổ? Con người đến cuối đời, sự nghiệp đã đi đến tận cùng, sự vinh quang trong quá khứ đã trở thành mây khói xa vời, đứng ở trạm cuối cùng của cuộc đời, tâm linh khát khao được làm sạch, tinh thần cần thăng hoa, mong muốn tìm lại được những tình cảm chân thành. Lúc này, chỉ có quay trở về chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn học cũ kể lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được thứ cảm giác của thời trẻ đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành ấy là một niềm vui lớn của người già.  
Nếu như bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi được hiện trạng không vừa ý mình, thì hãy cứ để mặc kệ nó! Đây có thể là một dạng giải thoát. Phàm việc gì đã cố mà chẳng được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
Sinh lão bệnh tử là quy luật muôn đời, không cưỡng lại được. Khi thần chết vẫy gọi thì hãy thanh thản mà ra đi và hãy mỉm cười hãnh diện với tử thần. Chỉ cần mình sống một cuộc đời chính trực, không làm việc thất nhân tâm, bèn có thể yên lòng đắc lý đặt cho mình một dấu chấm hết tròn trịa.  

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Anata - Ngọc Lan

Chào các bạn,

Trong thời đại thông tin bùng nổ của chúng ta, với đủ mọi thứ báo chí, TV, radio, email, websites, blogs… chúng ta nói/viết rất nhiều và nghe/đọc cũng rất nhiều. Ngôn ngữ tràn ngập đường phố, tràn ngập không gian thật, và tràn ngập không gian ảo. Vì vậy, trong mọi loại tội lỗi gây ra ngày nay, có lẽ là tội lỗi từ lời nói và chữ viết là nhiều nhất.

Phật pháp có bốn giới hạnh về ngôn ngữ, tức là bốn điều cấm kị về lời nói: vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, và ác khẩu.
1. Vọng ngôn là nói dối. Có nói thành không, không nói thành có.
Trong luật pháp còn có khái niệm “misleading” (dẫn đi lạc), tức là nói một nửa giấu một nửa để cho người ta hiểu lầm. Ví dụ : “Anh yêu em trọn đời” (nhưng anh không nói ra là anh dự tính chẳng bao giờ cưới em làm vợ). Trên nguyên tắc thì câu nói yêu em là đúng, ngoại trừ nó thiếu phần sau nên nó được dùng để lừa con gái người ta.
2. Ỷ ngữ là thêu dệt. Có 1 thêu dệt thêm thành 10, để nói xấu người khác (kiểu các blog nhảm nhí), hoặc lường gạt người khác (kiểu người bán hàng không thành thật).
3. Lưỡng thiệt là hai lưỡi. Tức là đâm thọc đầu này đầu kia để thiên hạ đánh nhau.
4. Ác khẩu là lời hung ác.
Ngày nay trong các diễn đàn và thư rác, nhất là các diễn đàn và thư rác có mùi chính trị, bốn loại ngôn ngữ cấm kị này tràn ngập. Chúng hủy hoại văn hóa và trí tuệ của chúng ta. Những người dùng những loại ngôn ngữ này đầu độc chính họ và những người khác. Họ làm dòng thông tin của xã hội mất chính xác vì toàn dối trá, làm người ta ngu dốt vì tiêu thụ thông tin dối trá, và làm người ta hung ác vì tiêu thụ ngôn từ và ‎ý tưởng hung ác.
Một xã hội toàn thông tin rác tạo ra người dốt và ác, thì xã hội đó chỉ có thể là trộm cướp.
Ngày nay, vì các lối nói và viết như thế tràn lan, ta chỉ nói đó là “thiếu văn hóa”.
Nhưng, sự thật là trong rất nhiều trường hợp, đó là hình tội. Ví dụ: Nói dối hay thêu dệt trên blog về một người nào đó có thể là tội vu khống hay mạ lị. Nói dối để lấy tiền của người là tội lừa lọc.
Trong các truyền thống tâm linh, bốn cách nói trên (vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu) là tội lỗi.
Trên phương diện phát triển tâm lý con người, chúng làm cho nhiều người trong xã hội thành ngu dốt, hung ác, và thiếu phẩm cách.
Trên phương diện ngoại giao và quản lý, chúng là cơn bệnh mà bệnh nhân bị mất sự tin tưởng và kính trọng của người khác, cho nên người đó ngóc đầu lên không được trên đường sự nghiệp.
Vì vậy, hàng ngày, khi bạn đọc thì lựa bài mà đọc, nghe thì lựa bài mà nghe, nói hay viết thì lựa từ mà dùng.
Đối nghịch lại với 4 loại ngôn ngữ xấu này, là “chánh ngữ”.
Chánh ngữ là một trong tám nhánh đường giác ngộ (bát chánh đạo).
Chánh ngữ là lời nói thành thật, chính xác, hòa ái.
Chánh ngữ là nói/viết với chánh niệm—tức là tập trung tư tưởng vào lời nói hay chữ viết mình đang dùng, với một trái tim thiện hảo mong mang lại yêu thương, tích cực, và phúc lợi cho những người nghe/đọc mình.
Ngôn ngữ có thể là một trong tám nhánh đường đưa đến giác ngộ–giải thoát ta khỏi biển si mê—hay là một nghiệp tội đẩy ta xuống địa ngục tối tăm của ngu dốt.
Cho nên, các bạn, hãy lựa lời mà nói/viết.
Chúc các bạn một ngày chánh ngữ.
Mến,
Hoành

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

THÁNH LỄ MISA



GIÁ TRỊ CỦA MỘT THÁNH LỄ MISA

Nữ tu MARY VERONICA MURPHY
 
Xin hãy cùng đọc một chứng từ có thật, hết sức giản dị đơn sơ, nhưng lại quá độc đáo bất ngờ, để rồi cùng có được diệu cảm về Thánh Lễ...  

 
Cha Stanislaus là Linh Mục Hội Dòng Thánh Tâm Chúa. Ngài có một người anh làm Linh Mục Dòng Tên. Thân phụ của hai anh em này là Đại Úy kiểm lâm trong một thị trấn nhỏ của Luxemburg. Ông rất sùng đạo, vẫn đi Lễ và rước Lễ hàng ngày.
Khi nói chuyện với cha Stanislaus về thời thơ ấu của ngài, tôi nói: “Cha thật có phúc được nuôi dưỡng trong một gia đình Công Giáo đạo đức, đã có công cống hiến cho đời hai vị Linh Mục.”
Ngài đáp: “Vâng, đúng thế, nhưng không phải mọi sự đều trôi chảy như vậy từ đầu cả đâu ! Khi chúng tôi còn bé, cha tôi đã bỏ đạo, và mặc dù mẹ tôi còn đọc kinh cầu nguyện nhưng trong gia đình không một ai đi Lễ, kể cả Chúa Nhật, thể theo ý muốn của cha tôi.
Tôi nói: “Trời đất ơi ! Cha làm tôi ngỡ ngàng quá chừng. Chuyện hiếm có như vậy mà có thể xảy ra thật ư ? Vậy chứ ơn gọi làm Linh Mục từ đâu mà ra ?”
Ngài nói: “Một hôm, sau khi cha tôi đến thăm một tiệm bán thịt gần nhà thì ông đã đột nhiên thay đổi ý kiến. Câu chuyện xảy ra chiều hôm đó tại nhà hàng bàn thịt này là nguyên nhân hoán cải của cha tôi.” Tôi đáp: “Một tiệm bán thịt ! Một ơn hoán cải trong một tiệm bán thịt ! Chuyện gì đã xảy ra vậy ?”
Cha Stanislaus nói: “Ồ, đầu đuôi câu chuyện xảy ra như thế này. Cha tôi và ông chủ tiệm là một đôi bạn thân từ hồi còn bé. Khi hai người đang say sưa chuyện vãn như mọi lần thì một bà già lọm khọm bước vào.
Ông chủ tiệm ngưng nói chuyện và bước tới hỏi xem bà cụ cần gì. Bà nói bà đến xin ông một chút thịt nhưng bà không có tiền. Cha tôi chú ý lắng nghe câu chuyện bi hài giữa bà cụ và ông chủ tiệm.
Ông chủ tiệm nói: “Bà cần một chút thịt ư ? Nhưng tôi cần biết bà có thể trả cho tôi bao nhiêu tiền cái đã."
Bà cụ đáp: “Rất tiếc là tôi không có đồng xu nào cả… nhưng tôi sắp đi Lễ đây, và nếu ông muốn thì tôi sẽ dâng Thánh Lễ theo ý chỉ của ông.”
Ông chủ tiệm và cha tôi đều là người tốt bụng ( nhưng cả hai đều coi thường tôn giáo, nhất là Thánh Lễ Misa và Giáo Hội Công Giáo ) cho nên cả hai đều muốn đùa giỡn chút chơi với câu trả lời của bà già lẩm cẩm.
Ông chủ tiệm bèn nói: “Được rồi ! Đây là một miếng giấy nhá” và ông viết mấy chữ ‘Tôi đi xem lễ và dâng lễ theo ý chỉ của ông…’ rồi đưa cho bà cụ ông nói: “Cụ đi xem lễ đi và cầu nguyện theo ý chỉ của tôi nhá. Khi về, bà sẽ đưa cho tôi miếng giấy này và chúng ta sẽ xem một Thánh Lễ đáng giá bao nhiêu ký thịt.”
Bà cụ tươi cười ra đi cầm theo tờ giấy. Bà biết Chúa nhân lành sẽ giúp đỡ bà. Khoảng một giờ sau, bà trở lại tiệm bán thịt. Khi nhìn thấy bà ông chủ tiệm liền nói: “Đâu, tờ giấy đâu, bà đưa cho tôi đi và chúng ta sẽ xem Thánh Lễ của bà dâng cho tôi đáng giá bao nhiêu tiền nhá !”
Bà đưa tờ giấy cho ông, ông đặt tờ giấy lên bàn cân phía tay mặt. Trên bàn cân phía trái ông để một khúc xương nhỏ, nhưng mảnh giấy có vẻ nặng hơn miếng xương của ông. Vậy là ông lấy miếng xương ra và đặt vào bàn cân bên trái một miếng thịt nhỏ. Nhưng bàn cân bên mặt vẫn nặng hơn. Ông bèn lấy một miếng thịt lớn hơn đặt trên bàn cân trái, tuy nhiên bàn cân mặt vẫn không nhúc nhích.
Đến lúc này thì cả hai ông đều cảm thấy xấu hổ vì sự nhạo báng của mình, nhưng ông chủ tiệm vẫn còn muốn tiếp tục trò chơi của ông. Ông bèn đặt một tảng thịt thật nặng lên bàn cân trái, nhưng bàn cân mặt vẫn đứng yên bất động. Ông nghĩ chắc cái cân bị trục trặc kỹ thuật thế nào đó chứ không lẽ… Ông lấy miếng giấy ra khỏi bàn cân bên mặt xem sao, tức thì bàn cân bên trái xẹp ngay xuống dưới sức nặng của tảng thịt lớn.
Ông chủ liền lấy cả hai thứ ra khỏi bàn cân, để kiểm soát kỹ lại xem cân có bị trục trặc gì không… rồi ông cân một vài thứ khác như ông vẫn làm từ trước tới nay, thì thấy cái cân hoàn hảo và rất chính xác.
Sau cùng ông chủ đảo ngược hai thứ trên bàn cân: ông đặt tờ giấy lên phía bên trái và tảng thịt lên phía bên mặt. Tuy nhiên tờ giấy vẫn nặng ký hơn tảng thịt rất nhiều.
Bực mình, ông nhẹ nhàng nói với bà cụ: “Bà cụ ơi, bây giờ bà muốn gì nào… tôi có phải đưa cho cụ cả một cái đùi cừu chăng ?”
Bỗng chốc, cả ông hàng thịt lẫn viên đại úy đều nhận ra rằng Thánh Lễ Misa thật là vô giá. Ngay lúc đó, cả hai đều được ơn soi sáng để hiểu biết rằng không thể tính được một Thánh Lễ đáng giá bao nhiêu tiền.
Ông hàng thịt đã hoàn toàn hoán cải vì chuyện vừa xảy ra, và ông hứa sẽ cung cấp thịt hàng ngày miễn phí cho bà cụ. Ông giữ lời hứa. Tiếng đồn lan ra các vùng lân cận, dân nghèo khác cũng đến lãnh phần thịt hàng ngày của họ. Rồi lòng quảng đại của ông được các vùng khác biết đến. Thiên hạ cũng nói rằng phẩm chất thịt của tiệm ông rất ngon nên số doanh thu của ông tăng nhanh hơn bao giờ hết.
Cha tôi, tức ông đại úy, ngay hôm sau đã đi Nhà Thờ xem Lễ, và ông được ban cho một thánh sủng khác. Ông được ơn nhận biết Chúa Giêsu đích thực hiện diện trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, và ngày hôm sau nữa, cả nhà chúng tôi kéo nhau đi xem Lễ hàng ngày. Trong nhà chúng tôi không khí đã đổi khác không như trước nữa.
Hạnh phúc chúng tôi được ban cho thật là vĩ đại, khôn tả xiết, và chúng tôi bắt đầu kính mến Chúa và thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Gia đình chúng tôi bỗng trở nên một Tiểu Thiên Đàng, và tôi tin chắc rằng cha mẹ tôi đang chờ chúng tôi đến gặp các ngài trên đó!
 

Trích bài viết của Sr. MARY VERONICA MURPHY
Bản dịch của Louis LÊ XUÂN MAI

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Cô Bé 12 Tuổi Khiến Cả Thế Giới Phải Im Lặng Trong 6 Phút

ĐẶC ĐIỂM NGƯỜI VIỆT NAM


    
ĐẶC TÍNH NGƯỜI VIỆT 
Yêu hòa bình nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, háo thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cuộc.
  Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc 1 người làm thì tốt, mà 3 người làm thì kém, và 7 người làm thì hỏng).
Chính hai điều nầy tạo cho Việt Nam là dân tộc yếu

 --- đọc nhận xét mà cảm thấy buồn!

10 đặc điểm của người VN
(Viện nghiên cứu  xã hội Mỹ đánh giá)  
 

 
1.     Cần cù lao động, song có tâm lý huởng  thụ.
2.     Thông minh, sáng tạo, song thường có tính chất đối phó.
3.     Khéo léo, song không duy trì đến cùng, ít quan tâm đến sự hòan hảo.
4.     Vừa thực tế vừa mơ mộng, song lại nhút nhát.
5.     Ham học hỏi, có khả năng tiếp thụ nhanh, song ít khi học 'từ đầuđến đuôi' nên kiến thức không hoàn hảo, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tạo thân của mỗi người VN (nhỏ học vì gia đình,lớn lên học vì sĩ diện & công ăn việc làm, ít khi vì chí khí hay đammê).
6.     Vui vẻ cởi mở với mọi người, song không bền.
7.     Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những việc vô bổ.
8.     Có tinh thần đòan kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hòan cảnh khó khăn, bần hàn.  Còn trong điều   kiện sống tốt hơn,giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.  
9.     Yêu hòa bình nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, háu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cuộc.
10.  Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc 1 người làm thì tốt, mà 3 người làm thì kém, và 7 người làm thì hỏng).
(LUAN NGUYEN VO )

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Emmanuel Kelly The X Factor 2011 Auditions Emmanuel Kelly FULL

CHUYỆN NGỤ NGÔN

Trong cái rủi có cái may

(Chuyện ngụ ngôn)
Ngày xưa có một ông vua có rất nhiều cận thần thân tín. Tuy nhiên ông ta tỏ ra đặc biệt yêu mến một người trong số họ bởi người này rất thông minh, giỏi giang và luôn luôn đưa ra những lời khuyên hữu ích.
Một ngày nọ, nhà vua bị một con chó cắn vào ngón tay và vết thương ngày càng trở nên trầm trọng. Nhà vua liền hỏi người cận thần rằng đó có phải một điềm xấu hay không. Người cận thần trả lời: “Đó là điều tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được, thưa đức vua”.
Cuối cùng, ngón tay của nhà vua bị hoại tử nặng và cần phải cắt bỏ. Nhà vua liền hỏi lại người cận thần: “Hẳn đây là một điềm xấu?”.
Một lần nữa, người cận thần vẫn trả lời như cũ: “Tốt hay xấu rất khó để nói, thưa đức vua”. Nhà vua tức giận tống giam người cận thần của mình.
Vào một ngày nhà vua đi săn trong rừng. Ông khấp khởi mừng thầm khi mải mê đuổi theo một con nai rồi ngày càng dấn sâu hơn vào rừng rậm. Cuối cùng nhà vua nhận thấy mình bị lạc. Điều tồi tệ hơn là ông bị thổ dân bắt lại làm vật tế thần. Nhưng họ bất ngờ nhận ra rằng nhà vua thiếu mất một ngón tay. Ngay lập tức họ thả nhà vua ra vì ông ta không phải là một người đàn ông hoàn hảo và không phù hợp để dâng cúng - Tế Thần.
Sau đó nhà vua đã tìm được đường về cung điện. Nhà vua hiểu ra lời nói của người cận thần năm xưa:
“Tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được”. Nếu không bị mất một ngón tay, nhà vua có thể đã bị giết.
Ngay lập tức, nhà vua truyền lệnh thả người cận thần của mình và xin lỗi anh ta. Nhưng người cận thần không có vẻ gì oán trách nhà vua khi bị tù đày. Trái lại, người cận thần nói: “Đó không hẳn là điều tồi tệ khi đức vua giam thần lại”.
“Tại sao?”, nhà vua hỏi.
“Bởi nếu đức vua không giam thần lại, thần sẽ được đi theo trong chuyến đi săn. Nếu người dân bản địa nhận ra rằng nhà vua không thích hợp cho việc cúng tế, họ sẽ sử dụng thần để dâng lên vị thần của họ”.
Đôi khi chúng ta luôn cảm thấy thất vọng, đau buồn khi mọi thứ không suôn sẻ như mong đợi. Cũng có khi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ. Khi điều đó xảy ra, không có gì là sai khi chúng ta khóc hoặc cảm thấy thất vọng. Nhưng một khi bạn bình tĩnh và kiểm soát bản thân trở lại, hãy thử nhìn chúng dưới một góc độ khác, có thể bạn sẽ nhận ra rằng chúng không tồi tệ như bạn nghĩ và đôi khi là cơ hội để bạn có được điều tốt hơn.
Có những điều tưởng chừng như thuận lợi ban đầu lại có kết thúc tồi tệ và ngược lại.
Không có gì thực sự xác định được là xấu hay tốt. Hay chăng chỉ là vấn đề mà chúng ta nhìn nó theo chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi.
Nói cách khác, trong cái rủi có cái may, và điều quan trọng nhất là không bao giờ được từ bỏ hy vọng. Vì nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng (Where there's life, there's hope). Thế giới này vẫn luôn có một nơi tốt đẹp và cuộc sống vẫn muôn màu.


Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

THỜI GIAN

THỜI GIAN TỰA CÁNH CHIM BAY

          Những cơn gió hiu hiu; trời se se lạnh báo hiệu đã gần đến cuối năm, sắp sữa hết một năm nữa. . . Thời gian chóng qua, tựa như những cánh chim bay vụt qua. . .
          Có lẻ không mấy ai trong chúng ta lại chưa một lần than thở: “Thời gian trôi nhanh quá! mới đó mà đã 10 năm rồi”; hoặc là “ Mới đó mà hết một năm rồi. . .”
          Thời gian, thời gian luôn là mối bận tâm của chúng ta. Theo các nhà vật lý, thời gian được đo bằng nhịp đung đưa của con lắc đồng hồ, đều đặn chính xác , còn trong cuộc sống, chúng ta luôn bị thời gian tâm lý chi phối, nó bất chấp mọi đơn vị thời gian, bởi vì khi bạn ngồi cạnh một cô gái đẹp suốt 2 tiếng đồng hồ thì bạn cứ ngở như mới có 2 phút`, nhưng khi ngồi bên bếp lửa 2 phút thì quả là dài vô tận.
          Các nhà tâm lý học nhận thấy những đơn vị thời gian lớn hơn như năm và tháng trôi qua nhanh hơn khi chúng ta già đi. Nhà thơ Người Anh nổi tiếng đầu thế kỷ 19, Robert Southey đã nói : “ 20 năm đầu lả thời gian dài nhất trong cuộc đời chúng ta, và chiếm nhiều chổ trong trí nhớ hơn tất cả những năm về sau” Hiên tượng này chỉ là 1 phép tính đơn giãn : 1 năm đối với những đứa trẻ 5 tuổi là 20% thời gian sống của nó , trong khi đối với 1 người 50 tuổi chỉ là 2% . Do đó 1 năm đối với 1 đứa trẻ dường như dài hơn đối với 1 người lớn.
          Charles E. Joubert, nhà tâm lý học thuộc trường đại học Bắc Alabama ( Mỹ) cho biết khi ta sắp xếp thời giờ của mình thành 1 bản thời gian biểu dày những tiết mục, những cuộc hẹn. . . thời gian dường như trôi nhanh hơn, vì thế, một ngày nghỉ mát ở bải biển dường như dài hơn một ngày làm việc trong văn phòng. Những lúc cảm thấy mệt mỏi trong cuộc chạy đua với thời gian, bạn hãy nghỉ ngơi đôi chút, làm những gì mình ưa thích. Bạn sẽ không cảm thấy bị thời gian đuổi theo bén gót nữa và cũng không cảm thấy mình già đi nhanh quá.
          Một cách khác để níu kéo đôi cánh thời gian là bạn hãy lao vào học cái gì đó, ngày của bạn sẽ dài ra, bởi vì đó là thời gian của những tìm tòi khám phá. Đối với nhiều người trong chúng ta, việc học kết thúc khi ta rời ghế nhà trường, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Ronald Graham, 1 nhà toán học nổi tiếng, không bao giờ phàn nàn sao thời gian trôi nhanh quá . bí quyết của ông : “ Không bao giờ ngại là người mới” 40 tuổi ông nói thông thạo tiếng Trung quốc, biết chơi piano, say mê tung hứng và nhào lộn. Ông học được tất cả những thứ đó trong khi viết hàng tá giấy và đi lại hàng chục dặm đường mỗi năm.
          Còn khi tuổi đã xế chiều, hồi tưởng lại quá khứ 1 quãng đời thanh niên sôi nổi sẽ giúp ta quên được cái già đang xồng xộc đuổi tới. Viết hồi ký là cách tốt nhất; ngày nay có nhiều người tạo cho mình 1 blog , để xua tan lớp sương mờ bao phủ tháng năm, để thời gian đã sống không bị đọng lại như 1 mớ bòng bong vô nghĩa, mà nói lên rõ nét những sự kiện, biến cố, cũng như thành công trong cuộc đời chúng ta.
          Thời gian sẽ không phải là tên trộm vô hình rình rập đánh cắp cuộc sống của bạn mà sẽ là người bạn đồng hành đáng quí nếu bạn biết sử dụng nó. Hãy lắp đầy ngày tháng của bạn bằng bao việc làm và bao điều mới mẻ, hãy tận hưởng cuộc sống từng giây từng phút, bởi vì: “ Giá trị của cuộc sống không phải đo bằng năm , bằng tháng mà bằng những gì bạn đã làm được” như Montaigne đã nói.
                                                                       
 Sưu tầm 

Bài đăng phổ biến