Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

ĐẶC SẢN KONTUM



Gỏi lá, bữa tiệc vị rừng 
 
Một mâm lá! Có những loại lá trong vườn nhưng nhiều hơn cả là những loại lá rừng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, chủ quán gỏi lá Tây Nguyên (21 Trần Cao Vân, TP Kon Tum) cho biết, cách đây tám năm (tháng 2.2002), bà mở quán bán món gỏi lá từ gợi ý của cha chồng: ăn nhiều thịt dễ bị béo phì, để cân bằng, cần thêm rau, trong đó có những loại lá rừng ăn rất ngon. Cả gia đình ăn thử, thấy lạ miệng và ngon, bèn mở quán bán thử. Ai dè bán được, vậy là bán từ ngày đó cho đến bây giờ.
Còn theo ông Hàn Cư, một tay sành về ẩm thực, cách đây cũng tám năm được nhà giáo Lê Minh Thế (phòng giáo dục Kon Tum) đãi món gỏi lá. Trong những khách được mời, có một chủ quán phở. Sau đó, chủ quán phở này mở quán gỏi lá tại góc đường Lê Hồng Phong – Lê Lợi. Cũng có người cho rằng, chủ nhân đích thực của món gỏi lá này là ông Lê Văn Nhơn. Còn người kinh doanh chính thức là ông Lê Văn Lâm, cách đây đã mười năm.

Miếng gỏi lá cuốn đúng điệu! - Ảnh: SGTT

Chuyện là vậy nhưng chẳng thấy ai kiện tụng gì nhau, tranh chấp “quyền sở hữu” mà mỗi người, mỗi quán đã làm món gỏi lá ngày càng ngon hơn! Chẳng cần biết ai đã “sinh” ra nó, dân sành ăn truyền miệng nhau về món gỏi lá. Nhiều quán gỏi lá xuất hiện trên đường Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo… như là một đặc sản!
Những ai đã từng sống ở rừng, Tây Nguyên hay Đông Nam bộ không thể không biết những loại lá rừng ăn được như: lá bứa, lá ngành ngạnh đỏ, lá vừng (người miền Trung đọc là dừng), lá trâm, lá ổi, lá xoài, lá chua, lá sung… và không thể thiếu những loại lá mọc và trồng trong vườn như lá đinh lăng, rau càng cua, hẹ, cải xanh, lá chùm ruột… Bà Thuý cho biết: “Tuỳ theo quán mà các loại lá trong vườn có thể gia giảm khác nhau, nhưng đã là gỏi lá, quan trọng nhất chính là những loại lá rừng vì nó mới đem lại giá trị riêng cho món gỏi lá của xứ này”. Ngoài những loại lá trên, quán gỏi lá của bà Thuý còn có những loại lá như kim cang, chòi mòi, lưỡi trâu, móng bò, ngải cứu, chó đẻ, sâm đất…
Nhưn của món gỏi lá gồm có ba món chính: da heo thái nhỏ trộn với mè (có quán trộn với bột gạo, nếp, bắp, gừng, lá chanh), thịt heo ba chỉ xắt mỏng và tép luộc. Nước chấm của gỏi lá là mẻ (hoặc hèm rượu). Theo chủ quán Út Cưng, mẻ được trộn với thịt heo bằm nhỏ, sau đó xào lên, có nêm gia vị, tạo thứ nước chấm sền sệt, màu vàng trông rất bắt mắt. Mâm gỏi lá không thể thiếu chén muối hột, tiêu hạt và ớt hiểm xanh.

Mâm lá rừng và rau trong vườn để làm món gỏi lá - Ảnh: SGTT
Để ăn món gỏi lá cũng lắm công phu. Tuỳ theo gu ăn và “khẩu hình” của từng người mà chọn nhiều hay ít loại lá cho vừa miệng. Nhưng “nguyên tắc” cuốn gỏi là cuộn những chiếc lá xếp lên nhau cuốn hình bánh ú. Nhưn được đặt vào giữa, vài lát thịt ba chỉ, một sợi da heo, vài con tép. Nước chấm phủ lên nhưn, cùng vài hạt muối hột, hạt tiêu và đừng quên thêm vào trái ớt xanh.
Gói lá được cuốn vừa miệng để người dùng ăn gọn cả cuốn. Tan giòn trong miệng là một bữa tiệc vị giác tinh tế. Có đủ sắc thái của vị chua, vị chát từ các loại lá rừng trải trên đầu lưỡi, “phối” hài hoà cùng vị mặn xổi của muối hột, vị cay đằm của tiêu, hương nồng thơm của ớt xanh. Tất cả cùng phảng phất mùi men từ trong nước xốt đã làm cho độ ngọt, béo của cá tôm, thịt mỡ trở nên thanh khiết, dịu dàng. Ăn mãi không ngán. Nhất là khi vị giác trải nghiệm xong các cung bậc âm sắc của cuốn gỏi lá, một hớp rượu gạo lan trên vòm họng lại làm dậy thêm nét thèm thuồng với mùi vị của những chiếc lá tươi nguyên đầy ắp trên mâm.
Những cánh rừng thưa Dăk Cấm, Dăk BLà, Dăk R’Wa, Kon Plong… góp lá để bây giờ có thêm món gỏi lá – một đặc sản để du khách biết nhiều hơn đến vùng đất hoang vắng bình yên này…
(Trọng Hiền, SGTT)

ĐẶC SẢN TÂY NGUYÊN


ĐƠN SƠ CÀ ĐẮNG TÂY NGUYÊN

Cà đắng là một loại cà dại vốn mọc nhiều trong rừng, trên nương rẫy của người đồng bào các dân tộc Tây nguyên. Quả cà đắng to hơn cà pháo và thường hơi dài ra, quả có màu xanh đặc trưng, cuống quả lại có gai nhọn nên cũng dễ nhận biết.


Quả cà đắng dùng để làm các món ăn tuy dân dã nhưng lại được người Tây Nguyên rất hâm mộ, chính vì vậy cà đắng hiện được trồng đại trà trong vườn nhà, vườn rẫy để thu hái quả quanh năm và bán đầy cả chợ lớn Buôn Ma Thuột khiến nhiều khi vào vườn tìm khó hơn ngoài này.


Cà đắng | Vietnamwebs.vn
Cà đắng
Quả cà đắng già hơi vàng hườm một tí có thể đâm nát với ớt, trộn cá khô nướng xé nhỏ để làm món nhậu ăn sống rất hấp dẫn nhất là với những ai thích vị đắng vì vị ngọt giòn đến ngay sau cái đắng tái tê khi mới bỏ vào miệng. Tuy nhiên cách dùng cà đắng thông thường nhất vẫn là nấu chín nó với cá khô, cá hấp, tôm tép tươi khô, ốc, ếch, lươn, thịt heo, dê, gà, bò... .
Nghe nói còn có kiểu đem đầu cá trích khô cho vào cối giã nát, khử hành hay tỏi với một ít dầu, đưa “bột” đầu cá trích vào xào sơ trước khi cho vào nấu cà đắng.

Riêng với người Ban mê thì rất thích đãi khách bằng món này nên thỉnh thoảng còn cho cà đắng kết duyên cùng cá hộp, thịt hộp, thịt ba chỉ, da heo hay lòng gà, lòng vịt theo cách nấu của người kinh cho dễ ăn và hợp với khẩu vị của những người mới ăn.
Ngoài ra món cà đắng luộc mềm, giã nát nấu cùng cá nục hấp tao tỏi thơm lừng, măng rừng luộc chín xé sợi, tất cả hòa quyện vào tạo nên hương vị canh cà đắng đặc trưng của vùng cao nguyên yên bình.

Miếng cà đắng đầu tiên có thể làm bạn hơi chối vì vị đắng của nó nhưng sẽ hấp dẫn ngay sau đó nếu bạn vượt qua được cái thử thách nhỏ tí xíu này. khi đó bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đằm thắm của cà lẫn vào vị ngọt của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi của ớt tạo nên một khẩu vị rất lạ, hấp dẫn rất núi rừng tây nguyên và thèm mãi cái món ăn dân dã này chả biết chừng.

Lưu ý: Có thể trữ cà bằng cách cắt miếng phơi khô, treo giàn bếp dùng dần; trước khi nấu đem ngâm nước chừng 5 – 10 phút, cà mềm và vị đắng vẫn không mất đi.


Nguồn: Muivi

TRƯỜNG TÊ RÊ XA KONTUM


TÊRÊXA - MÁI TRƯỜNG NGÀY ẤY...

            Trong cuộc đời đi học của tôi, thời gian 3 năm đầu tiên tại trường Tư Thục Trung Tiểu học Thánh Têrêxa, do quý Soeurs dòng Thánh Phaolô quản trị, đã ghi vào tâm hồn tôi những trang đẹp đẽ và nhiều kỷ niệm khó phai nhoà.

            Đó là khoảng thời gian từ năm 1972 đến 1975. Một buổi sáng mùa thu, ba tôi dắt tay tôi bước vào cổng trường. Biết bao cảm xúc xốn xang, lạ lẫm của “ngày đầu tiên đi học”, đúng như dòng cảm xúc mà nhà văn Thanh Tịnh đã tài tình nói hộ cho những đứa trẻ ngày đầu tiên đến trường. Vào Văn Phòng mua sách tập đồ và viết chì xong, ba tôi đưa tôi đến lớp học. Tôi bịn rịn rơi nước mắt níu áo ba tôi khi người quay về để lại tôi trước thềm lớp học. Thế rồi có một Soeur đến vuốt đầu tôi và dẫn tôi vào lớp. Đó là lớp Mẫu Giáo do cô Ngọc chủ nhiệm. Lên lớp trên, tôi còn được học với cô Giáo và một vài Soeurs nữa…       
  
            Trường Thánh Têrêxa Tân Hương ngày xưa nguyên là ngôi trường do Cố Hiền (Jules Alberty-cha sở giáo xứ Tân Hương 1913-1948) xây dựng từ năm 1931, tọa lạc trên khu đất bên hông phải nhà thờ Tân Hương. Đến đầu năm 1932, trường do các nữ tu Mến Thánh Giá Bình Định lên phục vụ, dạy văn hoá cho các em người Kinh lẫn Dân tộc. Đến niên khoá 1940-1941, trường được chuyển giao cho các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn phụ trách, mở các lớp xoá mù chữ và tiểu học, dạy may, thêu, nữ công gia chánh…

            Năm 1958, thị xã KonTum khá phát triển, dân số tăng nhanh, nhu cầu văn hoá ngày càng cao, Toà Giám Mục Kon Tum quyết định mở rộng trường tư thục Têrêxa, nâng lên bậc Trung học, xây mới lại hoàn toàn cơ sở trường lớp ngay tại vị trí trường PTTH Kon Tum bây giờ. Năm 1958 cũng là năm hội dòng Thánh Phaolô đáp ứng lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo phận Paul Seitz Kim, gởi các nữ tu lên Kon Tum phục vụ. Đức Cha liền giao cơ sở trường Têrêxa mới này cho các Soeurs Phaolô quản trị. Nhà các Sơ (tu viện) là một toà nhà hai tầng toạ lạc liên thông với nhà trường nên rất thuận tiện trong việc điều hành. Cộng đoàn của các Soeurs vì vậy mà cũng mang tên Thánh Têrêxa (Hài Đồng Giêsu), vị thánh nữ truyền giáo bằng cuộc đời nhỏ bé, thầm lặng nhưng kết hiệp thâm sâu với Chúa Giêsu.

Trường có đầy đủ tiện nghi cần thiết cho việc dạy và học. Ngoài một văn phòng nơi cung cấp sách vở, dụng cụ học tập, còn có một hội trường khá lớn có sân khấu. Cứ đến cuối năm học, trong buổi lễ tổng kết phát thưởng, các lớp đều tham gia diễn văn nghệ tại sân khấu này. Ba dãy lớp học thoáng rộng, có sân chơi với những hàng cây phượng và huynh diệp râm mát. Sỉ số mỗi lớp học hợp lý, không quá đông…Ngoài các môn học chính khoá, nhà trường còn có các lớp nữ công gia chánh do chính các Soeurs hướng dẫn như thêu đan, làm hoa giấy, cắt may… và nhiều việc thủ công khác. Cách tổ chức và quản trị học vụ của quý Soeurs Têrêxa thời ấy thật hoàn hảo, kỷ luật học đường nghiêm chỉnh, đội ngũ giáo sư uy tín…

            Tôi còn nhớ mãi hình dáng nhỏ nhắn, nét mặt hiền hậu của Bà Nhất Hiệu trưởng Marie Paul Võ Thị Mỹ. Tôi không sao quên được chữ ký đậm chắc đầy uy lực của Bà Nhất Hiệu trưởng trong Thông Tín Bạ (Học Bạ bây giờ) và trên Bảng Danh Dự (một loại giấy khen) cấp hàng tháng cho các học sinh có vị thứ nhứt, nhì, ba trong lớp. Tôi vẫn nhớ cảm giác vui sướng mỗi khi được xướng tên lên cột cờ lãnh Bảng Danh Dự. Đó thật sự là niềm hãnh diện đối với bạn đồng học tại trường, còn khi về nhà thì đem trình khoe với ba má và ông nội để được ông thưởng cho 5 đồng xu ăn quà. Tôi nhớ cả gương mặt các Souers dạy học hay giám thị như bà Bernadette, Madelenne…

            Mặc dù rất bận rộn với công tác học đường, các nữ tu vẫn không quản ngại hết mình phục vụ trong những công tác tông đồ tại giáo xứ Tân Hương. Không những chỉ dạy văn hoá, các nữ tu còn chăm sóc đời sống tinh thần, đạo đức và dạy giáo lý cho các em. Vào thời đó, mỗi sáng Chúa nhật chúng tôi được học giáo lý bên trường Têrêxa, do các nữ tu và một số giáo lý viên giáo xứ hướng dẫn. Sau mỗi giờ giáo lý bên trường, chúng tôi được hướng dẫn đi theo hàng trật tự sang nhà thờ dự thánh lễ dành cho thiếu nhi, ngang qua một cánh cổng nối liền phía sau nhà thờ. Sơ Nghĩa, Sơ Huê…là những người đã ươm mầm đức tin tuổi ấu thơ, đưa chúng tôi đến với bí tích Thánh Thể qua lớp xưng tội rước lễ lần đầu, và những lớp giáo lý tiếp theo.

Về sau tôi được biết thêm những điểm nổi bật nhất trong những năm phát triển của cộng đoàn Têrêxa Tân Hương là những công tác tông đồ trong giáo xứ: dạy giáo lý thiếu nhi, giáo lý hôn nhân, sinh hoạt Nghĩa binh Thánh Thể, đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae), phụ trách ca đoàn, lo phòng thánh, thăm viếng an ủi các gia đình, những người già yếu bệnh hoạn và dạy tân tòng…

Sau 1975, tôi phải tạm xa ngôi trường yêu dấu, vì ngôi trường đã bị Nhà Nước trưng thu. Các Sơ Têrêxa cũng không còn quản trị học vụ tại trường mà buộc phải âm thầm lui về tu viện, bắt đầu cuộc sống mới trải qua biết bao thăng trầm…Từ đây, ngôi trường thuộc quyền Nhà Nước được sử dụng làm trường Cấp 3, không còn dành cho cấp tiểu học.Tôi cũng phải bắt đầu cuộc đời đi học đầy gian khổ qua nhiều ngôi trường khác nhau như trường Ngô Quyền (trường Công-Kon Tum cũ, lớp 3), trường Quyết Thắng 3 (Bồ Đề cũ, lớp 4), trường tạm Nông Lâm Súc (trại Nguyễn Huệ cũ, lớp 5), trường Lý Tự Trọng (Hoàng Đạo cũ, lớp 6 đến 9). Lên cấp 3 tôi mới có dịp học lại trường Têrêxa, vẫn mái ngói tường vôi cũ rêu phong và những hàng phượng nay đã già cỗi lại tiếp tục cùng tôi lèo lái con đò học vấn. Vào những buổi tan học hay những giờ ra chơi ngồi suy nghĩ vẩn vơ, nhìn về hướng nhà các Soeurs bị ngăn cách với ngôi trường bởi một tường rào phủ kín dây leo hoa tigôn,  những kỷ niệm thuở đầu đời đi học lại hiện về, không chỉ là những hoài niệm, mà cả sự kính phục mến yêu đối với những con người đã nguyện hiến trọn đời mình cho việc truyền giáo, mà quý Soeurs Têrêxa như những “kỹ sư tâm hồn” giúp khai mở và vun trồng tri thức-đạo đức làm người.

            Ngày nay, các nữ tu Phaolô – cộng đoàn Têrêxa Tân Hương vẫn tiếp tục sứ mạng truyền giáo, luôn vui vẻ nhiệt thành phục vụ, góp phần xây dựng giáo xứ và giúp cho giáo hữu Tân Hương được sốt sắng và đến gần Chúa hơn, đồng thời mở rộng địa bàn phục vụ đến những anh chị em vùng sâu vùng xa, các làng dân tộc. Xin cảm ơn quý Soeurs thật nhiều! Xin cảm ơn Têrêxa – ngôi trường ngày ấy…

---o0o---

Nhân kỷ niệm 50 năm hiện diện và phục vụ
tại giáo xứ Tân Hương – Kon Tum
của quý nữ tu dòng Thánh Phaolô, cộng đoàn Têrêxa.
                                                                                           
                                                                                                              Phêrô Lê Minh Sơn

song dakbla năm 1947

http://www.youtube.com/watch?v=Xo2Fn_6145g&feature=player_detailpage

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

NGƯỜI GIỮ HỒN SÔNG NÚI



Người giữ “hồn” sông núi
nld.com.vn - 2 năm trước
Cuộc sống gia đình anh nhờ đó mà khá lên

Theo chân đoàn du khách nước ngoài vào thăm Phòng Truyền thống – Tòa Giám mục Kon Tum, nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, như áo quan, thuyền độc mộc, những tượng gỗ tròn lớn, những chiếc nón rộng vành khá lạ mắt... Trong lúc tham quan, tôi nghe hai du khách nói chuyện với nhau rằng các hiện vật ở đây quý thật, cổ thật nhưng muốn hiểu hơn về Tây Nguyên, về đời sống tinh thần, vật chất của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Kon Tum thì những hiện vật trưng bày ở quán cơm Dăk Bla’s phong phú hơn.

Một địa chỉ cần đến

Một thông tin khá thú vị cho những người lần đầu đặt chân đến Kon Tum như tôi. Người lái xe ôm cho tôi biết chủ quán rất vui tính. Ai vào quán vừa ăn cơm cũng có thể vừa xem các hiện vật trưng bày quanh nhà; gọi ly nước, ly cà phê có thể ngồi cả buổi hoặc cứ vào xem thoải mái... rồi về cũng được.

Quán cơm Dăk Bla’s ở ngay mặt tiền đường Nguyễn Huệ, thị xã Kon Tum cũng không khác gì những quán cơm khác trên suốt chiều dài đất nước, nhưng lại là địa chỉ cần đến đối với khách phương xa đặt chân tới Kon Tum. Lâu nay, khi nói  đến Kon Tum người ta thường nói đến nhà thờ Gỗ tồn tại gần trăm năm, nói đến ngục Kon Tum, Dăk Tô – Tân Cảnh...

Anh Hồ Công Văn bên những tượng nhà mồ và tủ đựng những hiện vật "không bán"

Và đánh giá của  du khách nước ngoài tôi nghe lóm được quả không sai. Chung quanh tường của quán cơm được chủ nhà treo đầy hiện vật của các dân tộc anh em đang sinh sống trên đất Kon Tum. Nào là khiên chiến đấu của người Xê Đăng, ghế ngồi bằng nan tre và da thú của người Giẻ Triêng, mặt nạ gỗ dùng trong lễ hội của người Xê Đăng; nào là áo bằng vỏ cây, khay đựng thức ăn dùng trong lễ hội, giỏ cá, nón đi mưa, bù nhìn hình người đan bằng tre của người Ba Na, cồng, chiêng... Các du khách khá thích thú với những hiện vật, thay nhau chụp hình, ghi chép...

Vì cái tình cái nghĩa...

Chờ cho vơi khách, tôi xin gặp mặt chủ nhà. Trong một thoáng, trước mặt tôi, người đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự, giới thiệu mình là Hồ Công Văn, chủ quán cơm và là chủ bộ sưu tập đang trưng bày quanh bốn bức tường. Năm nay, Hồ Công Văn tròn 51 tuổi, sinh ra, lớn lên tại mảnh đất này.

Năm 1978, anh tốt nghiệp Trường Sư phạm Kon Tum và nhận nhiệm sở tại Dăk Lây. Bà con ở đây nghèo nhưng hiếu học và rất quý trọng thầy. Cứ mỗi lần thầy về nhà, người cho cái giỏ đựng cá, người cho quả bầu dùng đựng cháo loãng khi đi làm rẫy, người cho cái áo vỏ cây để thầy mặc thêm cho ấm... Nói chung, họ có cái gì cho thầy cái nấy và thầy phải nhận chứ từ chối là... không thể dạy được ai.

Vì cái tình cái nghĩa ấy mà Văn không dám vất thứ gì. Tích thiểu thành đa, lâu ngày anh mới có được bộ sưu tập khá phong phú như ngày nay. Anh nói: “Thời ông cha tôi cũng đã có một ít vì bà con quý mà tặng. Những vật dụng ấy để rời rạc, tính bằng tiền quả chẳng là bao, song cái tình lớn hơn đồng tiền nên ông cha tôi cứ giữ lại. Đến đời tôi cũng thế. Nhưng đời tôi có nhiều hơn vì tôi là thầy giáo xóa mù cho họ, dạy cho con họ biết cái chữ, cái lễ”...

Dăk Bla’s, dòng sông chảy ngược

Tính đến đời anh là đã ba đời sống tại Kon Tum. Ông anh là lớp người đầu tiên đến đất này làm ăn, sinh sống. Năm 1980, anh được chuyển ngành sang bưu điện. Nhưng thời đó cuộc sống quá khó khăn, nhất là khi có vợ có con nên năm 1982, anh nghỉ việc về buôn bán lặt vặt rồi mở quán cơm.

Quán cơm của anh lấy tên Dăk Bla’s là lấy tên dòng sông chảy qua thị xã. Đây là dòng sông chảy ngược – hiện tượng đặc biệt không phải vùng đất nào cũng có. Khi mở quán, thấy hai bên tường trống quá, anh mang những hiện vật của bà con Dăk Lây tặng ngày nào ra treo cho vui mắt. Không ngờ những hiện vật ấy giúp quán cơm của anh ngày một đông khách. Hiện anh sở hữu hàng trăm hiện vật. Có những hiện vật anh cho phiên bản để phục vụ du khách, nhưng có lắm hiện vật chỉ để trong tủ kính và ghi rõ “không bán”. Đã không ít du khách đề nghị được mua tất cả những hiện vật ấy nhưng anh không gật đầu. Theo anh, cái tình cái nghĩa của bà con mình không phụ nên nó cũng không phụ mình.

Nhờ những hiện vật ấy mà quán cơm của anh trở thành “địa chỉ tham quan” của khách phương xa để gia đình anh có đồng ra đồng vào cho con ăn học. Cuộc sống gia đình anh nhờ đó mà khá lên. Đứa con gái lớn của anh đang học thạc sĩ ngành dược bên Pháp; đứa con gái nhỏ chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Với anh, tiền của rồi cũng hết; con cái thích học và học được thì anh cho học đến cùng. Anh tin, hai đứa con của anh sẽ không phụ lòng cha mẹ.
DU KHÁCH NGƯỜI HÀ LAN DIANA ATHILL:
Một bảo tàng dân tộc học

Nhìn những hiện vật, nhất là những mặt nạ, những tượng nhà mồ ở đây, tôi hiểu được phần nào nét tài hoa và tâm hồn chân chất cũng như tấm lòng quả cảm của người dân miền núi Việt Nam. Đất nước bạn là đất nước đa văn hóa rất tuyệt vời. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam cũng có phần trong đó. Quán cơm Dăk Bla’s là một dạng bảo tàng dân tộc học tư nhân rất nên gìn giữ.


Bài đăng phổ biến